Sông Mê Kông đang suy kiệt

(ANTĐ) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tạo ra một lượng lương thực lớn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, dòng sông Mê Kông lại đang suy kiệt, thiếu nước tưới, không có lũ mang phù sa và phù du về đồng bằng.

Sông Mê Kông đang suy kiệt

(ANTĐ) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tạo ra một lượng lương thực lớn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, dòng sông Mê Kông lại đang suy kiệt, thiếu nước tưới, không có lũ mang phù sa và phù du về đồng bằng.

Hạn hán lịch sử hồi đầu năm đã xảy ra trên lưu vực sông Mê Kông

Hạn hán lịch sử hồi đầu năm đã xảy ra trên lưu vực sông Mê Kông

Gia tăng hạn hán

Theo tính toán của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, từ năm 2000 trở lại đây, mực nước lũ đo được ở hai nhánh của sông Mê Kông đổ vào Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu ngày càng thấp dần. Đặc biệt, trong năm nay, mực nước lũ đổ về khu vực ĐBSCL đạt mức thấp kỷ lục, thấp hơn 1m so với mức lũ trung bình nhiều năm. Số liệu đo được trong tháng 10 (thời điểm diễn ra đỉnh lũ) tại Tân Châu mực nước thấp hơn trung bình hằng năm là 1,3m và tại Châu Đốc là 1m. Tình trạng này chưa từng diễn ra trong lịch sử. Theo tính toán của các nhà khoa học, tình hình lũ thấp khiến gần nửa triệu ha lúa ở ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ đông xuân. Bên cạnh đó, sẽ có hơn 100.000ha (tương đương 16%) diện tích vụ đông xuân của cả vùng này có nguy cơ bị nước mặn xâm nhập.

Sông Mê Kông chảy qua ĐBSCL với chiều dài 225km, cung cấp nước và tôm cá dồi dào. Ước tính bình quân 1ha đất trồng lúa phải tốn hơn 20.000m3 nước/vụ; bình quân mỗi năm ĐBSCL xuống giống 3,8 triệu ha tức cần hơn 76 tỷ m3 nước. Riêng thủy sản, mỗi năm người dân hạ lưu sông Mê Kông khai thác khoảng 2,6 triệu tấn cá trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Bởi vậy, dòng Mê Kông đang ngày một suy kiệt gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân trong lưu vực. Giới khoa học nhận định, lưu lượng dòng chảy sông Mê Kông giảm chỉ còn 2/3 so với những thập kỷ trước. Lượng nước sông Mê Kông giảm sút kéo theo hàng loạt tác hại khôn lường như thiếu nước vào mùa khô và nguy cơ xâm mặn đe dọa từng ngày. Chỉ tính riêng tại khu vực ĐBSCL, bình quân mỗi năm vào mùa lũ sông Mê Kông cung cấp 100 - 200 triệu tấn phù sa.

Tại hội thảo quốc gia về chiến lược phát triển sông Mê Kông do Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức vừa qua, nhiều nhà khoa học cho rằng, vấn đề suy kiệt sông Mê Kông hiện nay là do ảnh hưởng của việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính và các nhánh phụ. Ước tính việc xây dựng các đập trên sông Mê Kông sẽ làm mất đi 700.000 - 1,6 triệu tấn thủy sản/năm. Ông Lê Đức Trung, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, theo kế hoạch phát triển, các nước trong hạ lưu vực dự định sẽ xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính, 30 đập trên nhánh phụ. Trong khi đó, theo tính toán, nhu cầu tưới cho nông nghiệp trong lưu vực cũng tăng khoảng 1,2-1,8 triệu ha, cùng với dân số gia tăng. Như vậy, nhu cầu sử dụng nước trong tương lai là rất lớn.

Hợp tác trên tinh thần chia sẻ nguồn nước

Ông Nguyễn Thái Lai,  Thứ trưởng Bộ TN-MT lo lắng, chúng ta bấy lâu nay vẫn quan niệm Việt Nam thừa nước, nhưng cần phải xem xét lại trong bối cảnh hiện nay. Khu vực ĐBSCL hiện về mùa kiệt lượng nước chỉ còn 20-25% trên các lưu vực sông và kéo dài đến 9 tháng, trong khi mùa lũ chỉ kéo dài 3 tháng, song mực nước lũ từ năm 2004 trở lại đây cũng đã bắt đầu hạ thấp. “Nguồn nước là hữu hạn, nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng, dân số gia tăng, trong khi 2/3 lượng nước từ Việt Nam được chảy từ ngoài lãnh thổ vào. Bởi vậy, nguy cơ thiếu nước là hết sức trầm trọng”, ông Lai nói.

Hiệp định Hợp tác và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông được 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan ký kết và thông qua vào tháng 4-1995. Ủy hội sông Mê Kông được thành lập và kế thừa trên cơ sở của hiệp định này. Tháng  4-2010 vừa qua, lãnh đạo cấp cao 4 nước trong lưu vực đã thông qua tuyên bố chung, tuyên bố Hua Hin (Thái Lan) về hợp tác, sử dụng nước Mê Kông trong bối cảnh các nước ở hạ nguồn lo ngại dòng sông đang ngày một cạn kiệt dần.

Cũng theo ông Lai, sông Mê Kông chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam thuộc hạ nguồn, dù chỉ chiếm 5% lưu vực, song tất cả những thay đổi, tác động vào dòng Mê Kông lại đổ hết vào khu vực ĐBSCL. Ông Lai lấy dẫn chứng, đợt hạn lịch sử diễn ra ở khu vực ĐBSCL đầu năm nay, rồi mùa lũ nhưng lại không xuất hiện lũ, lượng phù sa sụt giảm, kéo theo nguồn dinh dưỡng cho vùng đồng bằng này đang bị suy giảm. Những biến động nghiêm trọng trên dòng Mê Kông ở khu vực ĐBSCL đã ra khỏi quy luật thủy văn từ trước tới nay. Bởi vậy, ông Lai cho rằng, vấn đề này cần được xem xét như một việc của lưu vực sông, vấn đề của các nước.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Anh, Quyền Viện trưởng viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cũng cho rằng, việc giảm lũ, lũ muộn ở ĐBSLC cần phải đưa vào vấn đề của lưu vực sông, hay tình trạng nước biển dâng ở khu vực này cũng vậy. Ngoài ra, chiến lược phát triển lưu vực không thể không gắn với rừng ngập mặn. “Phải Mê Kông hóa những vấn đề trên để đưa vào chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho hạ lưu vực Mê Kông bởi nó gắn chặt với ĐBSCL. Nguyên tắc hợp tác cho các nước hạ lưu vực Mê Kông là chia sẻ, thống nhất, phối hợp với nhau về nguồn nước để phát triển hài hòa”, ông Anh cho biết.

Đại diện của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, phía Việt Nam sẽ kiến nghị với các nước trong hạ lưu vực xem xét lại việc sẽ xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính và 30 đập trên dòng nhánh của sông Mê Kông.                    

Ngân Tuyền