Sóng lớn cận kề

ANTĐ - “Sóng lớn” với nghĩa đen ở Đông Bắc Á tuần này là siêu bão Muifa tràn qua. Nhưng, “sóng lớn” với nghĩa bóng là khủng hoảng kinh tế… Lại có đánh giá cho rằng “đang có lo ngại Hoa Kỳ lại sẽ rơi vào suy thoái kinh tế” khi nước này lần đầu tiên bị đánh tụt chỉ số xếp hạng khả tín hàng đầu.

Giới đầu tư tài chính căng thẳng suốt tuần

Vào phút chót, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký thành luật dự luật nâng mức trần nợ công, giúp cho cường quốc kinh tế số 1 thế giới khỏi cảnh vỡ nợ, tránh cho kinh tế toàn cầu đi vào một cuộc khủng hoảng mới. Dù “sóng lớn” mới chỉ là cận kề, nhưng mức độ tác động của nó không hề nhỏ. Cuối tuần này, một trong những hãng đánh giá mức độ khả tín hàng đầu thế giới là Standard & Poor's, đã lần đầu tiên hạ mức đánh giá AAA mà họ dành cho Hoa Kỳ. S&P giảm mức đáng tin cậy dài hạn về tín dụng của Hoa Kỳ xuống một bậc, từ AAA xuống AA+ với đánh giá tiêu cực cho tương lai vì những lo ngại về thâm hụt ngân sách. Hãng xếp hạng này cho rằng, kế hoạch cắt giảm ngân sách mà Quốc hội Hoa Kỳ thông qua hôm thứ Ba vừa rồi không đủ mạnh.

Kinh tế Hoa Kỳ đang chật vật với các khoản nợ lớn, mức thất nghiệp lên tới hơn 9% và đang có lo ngại Hoa Kỳ lại sẽ rơi vào suy thoái kinh tế. Hành động của S&P là điều bẽ bàng đối với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và nó có thể làm tăng chi phí cho các khoản vay của Chính phủ Hoa Kỳ.

Trong khi đó, các quan chức Hoa Kỳ ở Washington nói với truyền thông nước này rằng các con số của S&P đã sai lệch lớn. Quốc tế đã có những phản ứng khác nhau đối với việc hạ mức độ khả tín trên. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói Trung Quốc, nước cho Hoa Kỳ vay nhiều nhất thế giới, “hoàn toàn có quyền đòi Hoa Kỳ xử lý các vấn đề nợ và đảm bảo sự an toàn cho những tài sản bằng đô-la của Trung Quốc”. Tuy nhiên các quan chức Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia thì kêu gọi các giới có phản ứng bình tĩnh đối với việc giảm mức độ khả tín của Hoa Kỳ.

Cũng trong tuần, Hội nghị các bộ trưởng kinh tế Nam Mỹ vừa bế mạc tại Thủ đô Lima của Peru, nhận ra sự hệ trọng của việc phối hợp chính sách để giảm đến mức thấp nhất tác động của cuộc khủng hoảng nợ vẫn dai dẳng trong thế giới phát triển. Bộ trưởng Kinh tế các nước Nam Mỹ đã nhất trí thúc đẩy đoàn kết chống các “con nợ vô trách nhiệm phương Bắc” nhằm ngăn chặn tác động và nguy cơ khủng hoảng nợ lây lan từ Mỹ và châu Âu. Khủng hoảng nợ ở Mỹ và châu Âu có thể thúc đẩy tình trạng đến và đi ồ ạt của dòng vốn này, gây hoảng loạn và lạm phát cao ở các nền kinh tế đang phát triển.

Triển vọng kinh tế Hoa Kỳ và châu Âu chưa thật sáng sủa còn là nguyên nhân đẩy giá vàng thế giới tuần qua lên “đỉnh cao mọi thời đại”. Vàng “nhảy nhót” trên hết đỉnh này tới đỉnh khác, trong lúc các nhà đầu tư càng coi vàng là nơi đầu tư an toàn hơn cả. Việc vàng lên giá dẫn đến hậu quả khác là thị trường chứng khoán thế giới “tuột dốc” trong 2 phiên cuối tuần. Bởi thế, tuần qua là một tuần mà kinh tế thế giới trải qua nhiều sóng gió hiếm có trong lịch sử.