Sóng gió chính trường Indonesia

ANTĐ - Đất nước vạn đảo đang đứng trước giai đoạn nhạy cảm khi ứng cử viên Joko Widodo được tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9-7 vừa qua trong khi ứng cử viên Prabowo Subianto tuyên bố rút khỏi tiến trình bầu cử.

Lực lượng an ninh Indonesia được triển khai bảo vệ an ninh
trước trụ sở Ủy ban bầu cử quốc gia ở Thủ đô Jakarta

Trong tuyên bố đưa ra cuối ngày 22-7, Ủy ban bầu cử Quốc gia Indonesia (KPU) cho biết cặp ứng cử viên liên danh Joko Widodo - Yusuf Kalla giành chiến thắng trước cặp ứng cử viên Prabowo Subianto - Hatta Rajasa trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra ngày 9-7 vừa qua. Ông Widodo là đương kim Thống đốc Jakarta, còn ông Subianto là cựu Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia.

Như đã lường trước kết quả được KPU công bố, ngay trong ngày 22-7, ứng cử viên Tổng thống Subianto cùng đồng minh Radjasa đã tuyên bố rút khỏi tiến trình bầu cử vì cho rằng có “những sai phạm quy mô lớn, có tổ chức và mang tính hệ thống” trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 9-7 vừa qua. Cặp ứng cử viên này cũng đã yêu cầu đội ngũ của họ tham gia tiến trình kiểm phiếu tổ chức tại KPU rút khỏi công việc này, đồng thời bác bỏ mọi quyết định pháp lý do KPU đưa ra liên quan đến cuộc bầu cử.

Phản ứng và quyết định của cặp tranh cử Subianto - Rajasa được cho là sẽ dẫn tới những căng thẳng trên chính trường Indonesia, quốc gia có 240 triệu dân và có số người theo đạo Hồi nhiều nhất thế giới, trong thời gian tới. Chính vì lo ngại căng thẳng bùng phát mà lực lượng cảnh sát Indonesia đã phải triển khai tới 22.700 cảnh sát tại Thủ đô Jakarta, trong đó có trên 3.100 cảnh sát bảo vệ khu vực trụ sở KPU vào ngày công bố kết quả bầu cử 22-7.

Thực ra, những căng thẳng trên chính trường và xã hội Indonesia đã được nhen nhóm ngay khi có những kết quả sơ bộ khác nhau. Trong khi Ủy ban bầu cử 33 tỉnh và Ủy ban bầu cử ở nước ngoài trực thuộc KPU thông báo cặp ứng cử viên liên danh của ông Widodo giành được 53,16% số phiếu và cặp ứng cử của ông Subianto được 46,48% số phiếu thì các cơ quan thăm dò dư luận như Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển chiến lược (Puskaptis), Viện Thăm dò dư luận quốc gia (LSN), Trung tâm Nghiên cứu Indonesia (IRC) và Mạng lưới Cử tri Indonesia (JSI) lại thông báo kết quả ngược lại với việc ông Prabowo Subianto dẫn trước đối thủ Widodo cách biệt từ 1-4%. 

Hơn nữa, căng thẳng càng gia tăng khi cả hai ông Widodo và Subianto cùng tuyên bố chiến thắng. Liên minh “Đỏ-Trắng” gồm 7    đảng do đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) đứng đầu ủng hộ ứng viên Subianto tuyên bố không loại trừ khả năng sẽ nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp nếu có những dấu hiệu và bằng chứng cho thấy có sự không công bằng hoặc gian lận trong bầu cử. 

Lo ngại tranh chấp chính trị sẽ kéo theo căng thẳng trong xã hội, Tổng thống sẽ mãn nhiệm vào tháng 10 tới Susilo Bambang Yudhoyono tối 20-7 đã mời cả hai ứng cử viên Widodo và Subianto cùng ăn tối nhằm giải tỏa căng thẳng cũng như đề nghị cả hai cùng chấp nhận kết quả bầu cử. Song quyết định rút khỏi tiến trình tranh cử của cặp ứng cử viên Subianto - Rajasa chỉ vài giờ trước khi KPU tuyên bố cặp Widodo - Yusuf Kalla chiến thắng báo hiệu có thể xuất hiện cơn sóng gió mới tại đất nước vạn đảo.