Sông cá sấu
(ANTĐ) - Trùm Sò hỏi:
- Anh Hai Lúa đang ở đâu thế?
- Đang ở… dưới sông Ba Lai.
- Sông Ba Lai ở đâu?
- Mấy chú đoán xem.
Nghêu cười khì:
- Sông Ba Lai thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
- Chú Nghêu quá giỏi. Chính xác, anh Hai đang ở khúc sông Ba Lai, chạy ngang xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri.
- Nhưng anh làm gì dưới đó? Nắng nóng quá anh trầm mình dưới sông cho mát à?
Hai Lúa ào ào:
- Lần này chú Nghêu đoán sai rồi, anh Hai ở dưới sông… giăng lưới bắt cá sấu. Sông Ba Lai dạo này nhiều cá sấu lắm nên người dân ở đây đổi tên gọi là sông… cá sấu.
- Cá sấu trong tự nhiên hay ở đâu mà có?
- Không phải trong tự nhiên, vì hồi nào tới giờ sông Ba Lai chỉ có các loại cá nước ngọt, bỗng dưng thời gian gần đây có thêm… cá sấu. Người dân giăng lưới bắt được cá sấu mới là chuyện lạ.
Trùm Sò lo lắng:
- Như thế rất nguy hiểm, không chỉ trẻ con tắm sông, mà người lớn giăng câu, thả lưới trên sông Ba Lai cũng có thể bị cá sấu xơi.
- Anh Hai và những ngư dân khác cũng đang góp phần bắt cá sấu để trừ hiểm họa cho dân trong vùng đây. Mấy ngày nay bắt được gần chục con sấu từ 3-10kg, dài 1m. Không biết còn bao nhiêu nữa đây?
Ốc bức xúc:
- Theo anh Hai thì cá sấu ở đâu về sống ở sông Ba Lai?
- Không phải cá sấu trong tự nhiên, mà có thể cá sấu sổng ra từ một trang trại nuôi cá sấu nào đó trong vùng.
- Cơ quan chức năng phải truy ra nguồn gốc đám cá sấu sổng chuồng này để buộc chủ trang trại chấn chỉnh việc nuôi cá sấu chứ.
Hai Lúa ngao ngán:
- Vấn đề này thuộc trách nhiệm của chi cục kiểm lâm địa phương, nhưng đến nay cơ quan này vẫn chưa trả lời rõ về nguồn gốc của đám cá sấu sổng chuồng được.
- Quả là tắc trách.
- Cho nên người dân phải tự cứu mình trước nên hè nhau thả lưới bắt cá sấu thôi.
Nghêu hấp háy:
- Anh Hai tham gia việc này là tốt, nhưng cũng cần cảnh giác, coi chừng cá sấu nó… xơi anh đấy.
Đào Cốc Lục Tiên