"Sống ảo" và "sống khỏe" ở vườn dược liệu quý giữa núi rừng Sapa

ANTD.VN - Sa Pa những ngày đầu xuân, không chỉ mộc mạc, quyến rũ với những đào, lê đua nhau khoe sắc mà còn xanh mướt mát với những cánh đồng, vườn atiso ngút ngàn. Cũng giống như Đà Lạt, ở Sa Pa, không chỉ là nguồn dược liệu quý giá, atiso đang trở thành “đặc sản” du lịch mới cho thị trấn mộng mơ này.

Mùa hoa atiso ở Sa Pa nở cũng là mùa thu hút nhiều khách du lịch tham quan nhất

Điểm check-in độc, lạ

Đến với Sapa, chắc hẳn nhiều du khách khó lòng quên được cảm giác sáng nhâm nhi ly cà phê trứng nhìn ngắm núi non Tây Bắc từ trên cao nhìn xuống, hòa quyện với sương sớm để tận hưởng một buổi sáng yên bình. Chiều về ngâm mình trong bồn tắm lá thảo mộc Dao đỏ nhìn ra xa xăm những khu rừng nguyên sinh…

Thế nhưng, ít người biết đến một địa điểm không kém phần lung linh, nơi hứa hẹn sẽ mang đến cho các tay máy những bức ảnh check-in độc, lạ, đó là những vườn hoa Atiso xanh mướt mát, trải rộng ngút ngàn từ tổ 1 thị trấn Sa Pa đến các xã Sa Pả, Tả Phìn ngay dưới chân thị trấn vùng cao xinh đẹp này.

Nơi đây, những vườn atiso bao phủ các ngọn đồi, phủ xanh các ruộng bậc thang, xen lẫn giữa những vườn hoa cải vàng, những vườn hoa đào, hoa lê rừng đỏ thắm và trắng muốt trong tiết trời mùa xuân, lấp ló phía sau là các ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số tạo nên khung cảnh mộc mạc nhưng đầy mơ mộng.

Vườn atiso trong xã Sa Pả (huyện Sa Pa) ngày nào cũng có những vị du khách nước ngoài đến "check-in"

Hương thơm ngai ngái của loài cây dược liệu hòa quyện với mùi hương của các loài hoa từ thiên nhiên lan tỏa vào bầu không gian tinh khiết giữa núi rừng, tạo ra một thứ không khí dịu ngọt, trong lành mà mọi khách du lịch đều phải ưỡn ngực, ngửa cổ để hít hà.

Đặc biệt, từ đường 4D đoạn cách thị trấn Sa Pa chừng 4 km, rẽ vào con đường nhựa nhỏ liên xã rồi đi sâu khoảng 7-8km nữa vào xã Tả Phìn, giữa các vườn atiso đang lấn át gần hết diện tích lúa, còn có một điểm du lịch rất nổi tiếng của Sa Pa, đó là tu viện cổ do người Pháp xây dựng từ thời chiến để lại.

Ngày nay, tu viện đã bị hoang tàn, không còn mái hay nền nhà song vẫn giữ được nguyên vẹn phần khung tường xây hoàn toàn bằng đá, phủ rêu xanh cổ kính. Mỗi ngày, hàng trăm khách du lịch nước ngoài cũng như trong nước tìm đến đây để tham quan và nhất là chụp ảnh “check-in”.

Không ít người lựa chọn cho mình một góc chụp khá “độc” là đứng giữa vườn hoa atiso phía trước tu viện để lấy được toàn bộ không gian lưu giữ dấu tích của lịch sử.

Tu viện cổ ở giữa xã Tả Phìn là địa danh thu hút hàng trăm khách du lịch đến mỗi ngày

Tiếp tục tiến về trung tâm xã Tả Phìn, nơi dân cư chiếm tới hơn 90% là người Dao đỏ, cũng có thể được coi là địa danh tắm lá thuốc Dao đỏ “thật” nhất, “chất” nhất và thú vị nhất ở Sa Pa. Địa danh này đang ngày càng sầm uất hơn bởi lượng khách du lịch tìm đến ngày càng đông…

Tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là mùa atiso ở Sa Pa đua nở, đây cũng là mùa thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan nhất.

Không chỉ thỏa thê thưởng thức vẻ đẹp độc đáo của cánh đồng hoa atiso miễn phí, du khách còn có thể mua các sản phẩm tự nhiên từ loài dược liệu quý này về sử dụng hoặc làm quà như: hoa atiso làm trà uống, ngâm rượu, rễ và thân cây làm thuốc ngâm rượu, cao atiso chiết suất từ lá atiso… rất tốt cho sức khỏe.

Từ “cây thoát nghèo” trở thành “cây làm giàu”

Được người Pháp đưa vào trồng tại núi rừng Sa Pa hàng trăm năm trước nhưng atiso chỉ thực sự được phát triển mạnh tại địa danh du lịch nổi tiếng này trong khoảng gần 20 năm nay, kể từ khi một Công ty CP Traphaco quy hoạch chiến lược phát triển vùng dược liệu quý để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất dược phẩm của mình.

Đến nay, toàn bộ diện tích 50 ha trồng atiso ở Sa Pa đều được Công ty TNHH MTV TraphacoSaPa quản lý, ký hợp đồng với người nông dân địa phương và thu mua, bao tiêu toàn bộ đầu ra lá atiso, với sản lượng lên tới 2.000 tấn/ năm.

Hầu hết người trồng atiso ở Sa Pa là bà con dân tộc Mông, Dao, trước đây sống bằng nghề trồng lúa nương, sản lượng và thu nhập rất thấp. Ngày nay, những ruộng lúa đã được thay bằng vườn atiso, gần 120 hộ dân ở xã Sa Pả, Tả Phìn và tổ 1 thị trấn Sa Pa đã hoàn toàn bỏ cây lúa chuyển sang trồng atiso, với sản lượng và thu nhập cao hơn rất nhiều.

Atiso được chính quyền huyện Sa Pa xác định là "cây làm giàu" cho bà con dân tộc nơi đây

Lúc đầu, cây atiso được chính quyền huyện Sa Pa xác định là “cây thoát nghèo” cho bà con dân tộc thiểu số Mông, Dao nhưng hiện nay, cây dược liệu quý này đã được xác định lại là “cây làm giàu” và trở thành một “đặc sản”, một món quà vô giá từ thiên nhiên ban tặng cho Sa Pa.

Chúng tôi gặp anh Má A Máo, thôn Má Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa giữa lúc cả gia đình anh đang tất bật thu hái lá atiso trên vườn atiso rộng 0,3 ha của mình. Nếu như trước đây mỗi năm cả gia đình anh chỉ trông chờ vào một vụ lúa (ở Sa Pa mỗi năm chỉ trồng lúa được 1 vụ) với thu nhập khoảng 6 -7 triệu đồng, cuộc sống rất thiếu thốn, thì nay vườn atiso mỗi năm mang lại cho gia đình anh nguồn thu đến 30 triệu đồng, khiến anh rất phấn khởi. Trong nhà anh giờ đã mua sắm được ti vi, xe máy, con cái được học hành tử tế.

Cách vườn atiso của anh Má A Máo chừng 5km, chúng tôi đến vườn atiso của anh Má A Chu, 33 tuổi, nằm trên lưng chừng núi, ngay phía trên trường Tiểu học Sa Pả. Anh Chu kể, anh là người đầu tiên ở bản này tìm lên Công ty Traphaco Sa Pa xin giống atiso về trồng, được cán bộ kỹ thuật của công ty về tận nơi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn quy trình trồng trọt, chăm bón, thu hoạch.

Đến nay, cả 6 hộ gia đình xung quanh nhà anh cũng đả bỏ trồng lúa, chung ruộng đất với anh để mở rộng vườn atiso, kinh tế các gia đình đều khấm khá lên. Cũng nhờ mở rộng diện tích trồng atiso với quy mô lớn nên ngày nào vườn atiso nhà anh đều có khách du lịch, cả người nước ngoài vào tham quan, chụp ảnh, khiến thôn bản trở nên sôi động…

Ông Lê Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV TraphacoSapa cho biết thêm, sở dĩ atiso được chính quyền huyện Sa Pa coi là “cây làm giàu” cho người dân tộc thiểu số ở địa phương vì nó mang lại thu nhập cho người nông dân cao gấp 7-10 lần trồng lúa, năng suất ổn định, dễ chăm bón.

Đặc biệt, cây atiso được gieo trồng từ tháng 7-8 năm nay cho đến tháng 6 năm sau, ngay sau khi trồng được 2,5 tháng đã có thể thu hoạch lá và mỗi tháng thu hoạch được 1 lần, do đó tháng nào người dân cũng “có tiền” như một khoản lương đều đặn…

Được biết, toàn bộ vùng dược liệu atiso ở Sa Pa hiện nay đều được trồng trọt, thu hái, sản xuất theo quy trình GACP-WHO (Chứng nhận Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Đây cũng là cây dược liệu đầu tiên tại miền Bắc được công nhận đạt chuẩn quốc tế GACP.