Sớm trình phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Thủ tướng Chính phủ, ngành đường sắt Việt Nam đã ra đời 140 năm nay nhưng phát triển chưa xứng tầm với mong muốn của nhân dân và lịch sử của ngành.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) diễn ra vào chiều 9/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ: “Tôi chủ động đến làm việc với các đồng chí (Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của VNR- VNR) trong buổi tổng kết ngày hôm nay. Tôi thấy cảm xúc sau khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có lãnh đạo mới như anh Khánh (Hoàng Gia Khánh- Tổng Giám đốc), anh Mạnh (Đặng Sỹ Mạnh- Chủ tịch HĐTV) đã có thay đổi rõ rệt. Tôi muốn đến nghe để thấy tường tận hơn. Trước đó, tôi đã tới Ga Hà Nội xem có gì đổi mới”.

Theo Thủ tướng, ngành đường sắt Việt Nam đã ra đời 140 năm nay nhưng phát triển chưa xứng tầm với mong muốn của nhân dân và lịch sử của ngành.

“Tôi thực sự trăn trở, năm 2021, nhiều thông tin phản ánh về công nhân ngành đường sắt thu nhập khó khăn.

Tôi đã giao đồng chí Trương Hòa Bình thời điểm đó là Phó Thủ tướng Thường trực chủ trì, tôi cũng trực tiếp họp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để làm rõ, vì sao lại như vậy? Tôi trăn trở nhiều năm nay, làm thế nào để cùng các đồng chí vực dậy ngành đường sắt, góp phần hoàn thiện các phương thức giao thông của chúng ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phục vụ hành khách tại Ga Hà Nội chiều 9/1

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phục vụ hành khách tại Ga Hà Nội chiều 9/1

Với những gì mà VNR làm được trong năm 2023, tôi thấy đầy cảm xúc và ấn tượng. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng toàn bộ cán bộ công nhân viên của ngành đường sắt Việt Nam”- Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cho biết, ngay đầu giờ chiều nay đã đến Ga Hà Nội, trực tiếp trao đổi với một số lao động tại đây, tất cả đều cho biết, ngành đường sắt có nhiều đổi mới như tàu tiện nghi, nhà ga đẹp hơn, dịch vụ tốt hơn và hành khách yêu quý hơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng trao đổi với 2 hành khách đi tàu, cả 2 hành khách đều dành lời khen cho ngành đường sắt như tàu chạy đúng giờ, dịch vụ thuận tiện, sạch sẽ…

Tại Ga Hà Nội, Thủ tướng đã trao đổi với nhiều hành khách đang chờ đi tàu

Tại Ga Hà Nội, Thủ tướng đã trao đổi với nhiều hành khách đang chờ đi tàu

Dù vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, VNR đang quản lý, khai thác hơn 3.100km đường sắt, 297 nhà ga và hơn 22.000 lao động, tài sản rất lớn, người đông trải dài khắp đất nước từ Bắc chí Nam. Vì vậy, VNR phải đặt ra bài toán, sử dụng, khai thác như thế nào cho hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cũng còn trăn trở, hơn 3.000km đường sắt như vậy mà vẫn chưa được nâng cấp, cơ sở hạ tầng từ Pháp xây ra sao thì hiện trạng y như vậy, tôi rất trăn trở. Nhưng vừa qua, Bộ Chính trị đã cho chủ trương về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam, Bộ GTVT đang xây dựng Đề án. Trăn trở phải biến thành hành động, biến thành Đề án, dự án cụ thể chứ không ngồi trăn trở, lo âu suông”.

Để làm được điều này, theo Thủ tướng, tư duy phải đổi mới, tầm nhìn phải có chiến lược và quyết tâm phải cao thì mới làm được. Muốn đột phá thì phải như vậy.

Ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, trong quá trình đó phải chọn hướng đi làm sao để đi sau nhưng phải về trước; Tận dụng lợi thế để đi nhanh và bền vững hơn.

Liên quan dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam, Thủ tướng cho biết, Kết luận của Trung ương đã nêu rõ, năm nay phấn đấu trình, phê duyệt dự án.

Điều này cũng được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Bởi vậy, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT cùng với VNR quyết tâm trình phê duyệt bằng được dự án đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, có thể chia ra các dự án thành phần như: dự án Lạng Sơn- Hà Nội; dự án Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng, TP.HCM- Cần Thơ…tập trung làm trước.

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, Thủ tướng yêu cầu VNR tập trung tái cơ cấu theo hướng quản trị hiện đại phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; phù hợp với chức năng nhiệm vụ quyền hạn của VNR; cơ cấu để sử dụng khai thác có hiệu quả, tài sản, tài chính mà VNR đang có;

Tái cơ cấu vận hành và tổ chức bộ máy cho phù hợp với cơ chế thị trường, song song với đó tái cơ cấu đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, tinh gọn bộ máy sao cho hoạt động hiệu quả hơn, phù hợp với cơ chế thị trường…