- Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn bất ngờ báo lãi hàng chục tỷ sau 2 năm thua lỗ
- Đường sắt Việt Nam vẫn chưa dứt đà thua lỗ, nửa năm 2022 lỗ gần 30 tỷ đồng
- Đường sắt cần đến 240 nghìn tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng
Thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm 2023, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, trong năm 2023 doanh thu toàn tổng công ty đạt 8.503,8 tỷ đồng đạt 101,7% kế hoạch năm.
Lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 111,9 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng đạt 105,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, Tổng công ty mẹ đạt doanh thu 6.247 tỷ đồng bằng 113,2% so với cùng kỳ và đạt 96,0% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao. Lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng) tương đương 150% chỉ tiêu kế hoạch giao.
Cũng trong năm 2023, đường sắt đã vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách, bằng 135% so với cùng kỳ năm 2022. Vận chuyển hàng hóa đạt 4,6 triệu tấn, chỉ bằng 81,8% so với cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 3.973,4 tỷ đồng, bằng 107,0% cùng kỳ.
Đường sắt Việt Nam vận chuyển 6,1 triệu lượt khách đi lại trong năm 2023 |
Ông Khánh cho hay, trong năm 2023, nhu cầu đi lại của người dân đã gần như bình thường; các hoạt động du lịch trong nước phục hồi và phát triển trở lại, vì vậy thị phần vận tải hành khách bằng đường sắt đã có sự tăng trưởng cao.
Năng lực chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được cải thiện sau khi các hạng mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, mở mới các ga (thuộc gói 7.000 tỷ) được đưa vào khai thác. Bên cạnh đó với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là việc giảm mức thu nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cũng đã giảm được giá thành vận tải đường sắt.
Cùng với đó, trong năm 2023 ngành đường sắt đã tận dụng tối đa năng lực chạy tàu, chủ động xây dựng giá vé linh hoạt, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn; tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách hàng, cắt giảm tối đa toa xe để tiết kiệm chi phí vào các thời kỳ thấp điểm; đẩy mạnh khai thác hành lý, hàng hóa nối theo tàu khách ; có nhiều chính sách để thu hút các đối tác thuê nguyên toa từ các doanh nghiệp tổ chức du lịch;
Các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như tour ẩm thực tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tàu chất lượng cao cấp tuyến Hà Nội - Đà Nẵng… đang thu hút lượng khách rất lớn vào dịp cuối tuần;
Tuy nhiên sự phục hồi của vận tải đường sắt vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể như, vận tải hàng hóa cơ cấu luồng hàng vận chuyển thay đổi, hàng tồn kho của nhà bán lẻ ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng suy yếu và việc cạnh tranh về giá cước với vận tải đường biển là những nguyên nhân chính làm giảm thị phần vận tải hàng hóa bằng đường sắt.
Thêm vào đó, năng lực vận chuyển đường sắt còn hạn chế, bị giới hạn bởi cả năng lực thông qua của tuyến và năng lực của ga (hạn chế về diện tích bãi hàng, thiếu đường đón gửi, đường xếp dỡ trong ga); năng lực của tuyến và ga không đồng bộ; mạng lưới đường sắt quốc gia chưa thống nhất về khổ đường, quy mô đường ga chưa đáp ứng tổ chức chạy tàu với chiều dài lớn và tải trọng cao, tốc độ khai thác hạn chế.
Lãnh đạo VNR thừa nhận, Tổng công ty còn một số tồn tại như: bộ máy cồng kềnh, lao động đông, mức độ cơ giới hóa chưa cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin còn thấp, tư duy chuyển biến còn chậm dẫn đến hiệu quả công tác vận tải chưa cao.
Trong năm 2024, VNR đặt mục tiêu doanh thu của công ty mẹ đạt 5.883 tỷ đồng, trong đó tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Đến năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất của VNR đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu Công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau so năm trước giai đoạn 2024-2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm.
Tính đến hết 2023, vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là 3.250 tỷ đồng, tổng tài sản 14.660 tỷ đồng. Tổng số lao động là 22.041 người.