Sớm làm rõ lộ trình hạn chế xe cá nhân

ANTĐ - Ngày 11-7, trao đổi với báo chí, Trưởng Ban Pháp chế ngân sách HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, cần sớm nghiên cứu và công bố lộ trình thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

- Có ý kiến nhận xét lĩnh vực giao thông quá nhiều chương trình, giải pháp nhưng chủ yếu còn... nằm trên giấy?

- Vừa rồi, TP cũng đã thực hiện hàng loạt việc như tổ chức phân làn, nâng cấp đèn tín hiệu, siết lại quản lý hè đường, xây cầu vượt nhẹ, đổi giờ học, giờ làm... Tới đây, TP tiếp tục làm quyết liệt hơn thì ùn tắc giao thông sẽ giảm. Đây là hành động thật chứ không phải trên giấy nữa. Từ đầu năm, dự toán ngân sách đã phân bổ 50 tỷ đồng phục vụ chương trình này. Tới đây, sẽ tiếp tục cân đối nguồn để bổ sung.

- Hà Nội có bàn đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào cuối năm 2012?

- Tới lúc này, chưa có thông tin nào về việc HĐND TP sẽ bàn riêng vấn đề này.

- Tại sao TP không sớm thảo luận vấn đề này trong khi đây là việc trước sau cũng phải làm?

- Chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân hiện đang được Bộ GTVT và một số địa phương liên quan phối hợp nghiên cứu, soạn thảo đề án trình Chính phủ. Hà Nội đã thất bại một lần rồi. Để làm được việc này, phải dựa trên quy hoạch tổng thể, gắn với lộ trình giải quyết vấn đề giao thông công cộng, tức là các loại phương tiện vận chuyển khối lượng lớn như xe buýt, xe điện trên cao, tàu điện ngầm... Phải có lộ trình và có phương tiện cho dân đi rồi mới tổ chức hạn chế phương tiện cá nhân, bao gồm 

ô tô và xe máy. 

- Vấn đề liên quan tới đi lại của hàng triệu người đáng ra nên công bố sớm lộ trình để người dân biết?

- Chúng ta phải đưa nội dung này vào quy hoạch. Cơ quan thẩm tra quy hoạch sẽ đề nghị Bộ GTVT khi trình Chính phủ phải có lộ trình và công bố đến năm nào, phạm vi tới đâu phải hạn chế phương tiện cá nhân. Thông tin đó để nhà sản xuất phương tiện và người dân có thời gian chuẩn bị, chứ không thể hôm nay thông báo rồi sang năm cấm ngay được, bởi việc này liên quan đến nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân và cả vấn đề kinh tế nữa.

- Liệu đưa ra một chỉ tiêu cụ thể về giảm phương tiện giao thông cá nhân có khả thi?

- Quy hoạch giao thông cũng có đưa ra một số chỉ tiêu, con số cụ thể, tất nhiên là kèm theo lộ trình mềm. Ở góc độ cơ quan thẩm tra, chúng tôi muốn làm quyết liệt hơn nữa. Không chỉ ở thị phần vận tải, ngay cả với những dự án giao thông trọng điểm hay lĩnh vực vốn đầu tư, GPMB, cơ chế đặc thù... cũng đều phải được đề cập một cách đồng bộ thì mới thực hiện được. Nếu không làm kịp thời, cùng lúc các giải pháp tổ chức mạng lưới và phát triển giao thông công cộng thì không thể giảm được phương tiện cá nhân.

- Việc di dời trường học, bệnh viện ra khỏi nội thành được cho là giải pháp chống ùn tắc hữu hiệu nhưng nhiều năm vẫn chưa làm được?

- Vấn đề này đã được tiếp thu. Hiện nay, TP đang xây dựng những quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, cũng như dự liệu việc sử dụng các quỹ đất dôi dư sau khi di dời các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện... Yêu cầu chung là những khu đất có được sau di dời sẽ không biến thành chung cư để dồn nén thêm mật độ giao thông.

- Có ý kiến cho rằng Hà Nội vẫn ngại đưa ra các giải pháp mạnh để chống ùn tắc giao thông?

- Không phải như vậy, Hà Nội luôn có cái khó riêng. Các cơ quan Trung ương nằm trên địa bàn quá nhiều. Nếu tính tổng số lượng ô tô vào nội thành hiện nay, nhất là ở các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm - nơi có nhiều cơ quan bộ, ngành - thì tỷ lệ xe công vào đây lớn hơn nhiều so với xe cá nhân. Do đó, nếu Hà Nội làm không cẩn thận sẽ gây khó cho các cơ quan Trung ương trên địa bàn. Theo tôi, vấn đề hạn chế phương tiện cá nhân vào khu vực nội đô trong giờ cao điểm phải có đề án tổng thể, không thể vội vàng được.