Sơ tán khẩn cấp 7 hộ dân ở Quốc Oai, Hà Nội
(ANTĐ) - Sự cố sụt lún đất do khai thác nước ngầm trái phép đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp người dân sống trong vùng nguy hiểm và hỗ trợ vật chất để sớm ổn định cuộc sống.
Hai năm hai vụ sụt đất
Khoảng 9h30 ngày 30-11-2008, tại khu vực thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội xảy ra sự cố sụt lún đất trong vòng bán kính khoảng 5m2. Sự cố đã làm ảnh hưởng đến 4 ngôi nhà tại khu vực này. Theo thông tin ban đầu do UBND huyện Quốc Oai cung cấp, trong khi xây dựng nhà, gia đình ông Phạm Văn Nga giao cho con rể là Tạ Đình Lịch (đều trú tại thị trấn Quốc Oai) thuê đội khoan tư nhân của ông Nguyễn Khắc Loan tiến hành khoan giếng khai thác nước ngầm từ ngày 27-11-2008.
Đến ngày 30-11, khi khoan đến độ sâu 50m đã rút mũi khoan (đường kính 60-48mm) lên để chuẩn bị cắm ống chống thì xảy ra hiện tượng nền đất, tường nhà bắt đầu lún. Ngay khi thấy có hiện tượng lún, người dân quanh khu vực đã nhanh chóng rời khỏi nhà nên không xảy ra thương tích, thiệt hại về người.
Sự cố sụt lún đã làm phần móng nhà đang xây dở của gia đình ông Phạm Văn Nga bị lún sâu xuống khoảng hơn 1m; ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Phạm Văn Thiện bị sụt xuống lòng đất gần 1m, tường nhà nứt toác và đổ vỡ; Ngôi nhà 3 tầng của gia đình ông Phạm Văn Hùng, Tạ Văn Công cũng xuất hiện các vết nứt có nguy cơ đổ nhà. Ngoài ra, còn có vết nứt chạy dài dọc theo mép đường tỉnh lộ 419 dài khoảng 70m, nhiều chỗ vết nứt có độ rộng 4-5cm.
Trong ngày 1-12-2008, các vết nứt đã lan sang vỉa hè phía bên kia tỉnh lộ 419, làm nứt tường của 3 gia đình ở đối diện thuộc xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai. Theo người dân địa phương cho biết, so với ngày hôm qua nền đất tại khu vực bị lún đã lún sâu thêm khoảng 5cm, diện tích bị ảnh hưởng cũng lan rộng hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng sụt lún đất do khoan giếng khai thác nước ngầm ở Quốc Oai. Trước đó, đêm 20-11-2006, tại xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (cách thị trấn Quốc Oai khoảng 5km) cũng đã xảy ra hiện tượng sụt lún đất. Nguyên nhân là do 1 gia đình trong khu vực tiến hành khoan giếng khai thác nước ngầm.
Những ngôi nhà bị lún vỡ và nghiêng ngả |
Nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân
Tính đến chiều qua (1-12) đã có 7 gia đình thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Thạch Thán bị ảnh hưởng của sự cố sụt lún. Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND huyện Quốc Oai đã báo cáo với UBND thành phố Hà Nội cùng các cơ quan chuyên ngành để có phương án và biện pháp khắc phục. Đồng thời, UBND huyện Quốc Oai đã tổ chức lực lượng hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng lún sụt, di dời người và tài sản thiết yếu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Bố trí hướng dẫn các gia đình sắp xếp tạm chỗ ở để ổn định sinh hoạt hàng ngày.
Tiến hành cắt điện sinh hoạt của các gia đình bị ảnh hưởng của sụt lún để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, UBND huyện Quốc Oai đã lập hàng rào tạo thành hành lang bảo vệ tại khu vực lún sụt không để người dân đến gần. Tổ chức phân luồng giao thông, lập 2 barie có người trực ở 2 đầu đường để thông báo, cấm phương tiện giao thông đi qua khu vực sụt lún trên tỉnh lộ 419. Thông báo cho các gia đình trong khu vực dừng việc bơm nước từ các giếng khoan của gia đình để giữ ổn định vùng đang sụt lún.
Ông Nguyễn Hồng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết: Vị trí xảy sụt lún đất trước đây là một dòng sông nhỏ nối từ sông Đáy ra sông Tích nay đã bị san lấp. Trước mắt UBND huyện Quốc Oai trích hỗ trợ mỗi gia đình bị thiệt hại nặng 2 triệu đồng, các gia đình bị ảnh hưởng 1 triệu đồng để ổn định đời sống. Đối với các gia đình phải di chuyển không có chỗ ở khác sẽ được bố trí ở tại Nhà văn hóa thị trấn Quốc Oai.
Vị trí cần khoan lún sâu gần 1m so với mặt đường |
Tập trung khắc phục sự cố
Hiện nguyên nhân trực tiếp xảy ra sự cố được xác định là do khoan giếng khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, để đưa ra biện pháp khắc phục lại phải chờ kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành. Ông Phạm Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Ngay sau khi nhận được thông báo về sự cố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị chuyên ngành như Viện địa chất khoảng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước... để tiến hành khảo sát, nghiên cứu và tìm biện pháp khắc phục. Theo ông Khánh, trong những ngày tới tại khu vực này vẫn có thể xảy ra lún sụt tiếp nhưng ở mức độ nhẹ.
Trong khi kiểm tra thực tế tại khu vực xảy ra sụt lún, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở Giao thông vận tải sẽ tiến hành khảo sát, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng làm rõ mức độ ảnh hưởng của việc lún sụt đến đường tỉnh lộ 419. Sau khi có kết quả sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia để đưa ra biện pháp sửa chữa đường với phương châm nhanh nhất để thông đường cho các phương tiện qua lại.
Đăng Khoa - Việt Anh
Sẽ làm rõ trách nhiệm từng người liên quan! (ANTĐ) - Ngay sau khi xảy ra sự cố, CAH Quốc Oai đã làm việc với gia đình thuê khoan giếng, người khoan giếng và các hộ bị ảnh hưởng để thu thập thông tin, tài liệu. Đồng thời, cơ quan chức năng đã tổ chức khoanh định toàn bộ khu vực nguy hiểm, đánh dấu, cảnh báo người dân. Qua kiểm tra ban đầu, đội khoan giếng của anh Nguyễn Khắc Loan đã không đăng ký kinh doanh, cũng không ai có giấy phép hành nghề. Thượng tá Hà Mạnh Khởi - Phó trưởng CAH Quốc Oai cho biết, sau khi có kết luận của các cơ quan chuyên ngành, CAH Quốc Oai sẽ xem xét việc xử lý đối với những người liên quan theo quy định của pháp luật. Cơ quan công an đã yêu cầu anh Loan không được rời khỏi địa phương, có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra nguyên nhân vụ việc cũng như trách nhiệm từng người liên quan. |