Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Số phận vàng "phi SJC"’ sẽ ra sao?

ANTĐ - Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Chính phủ vừa đưa ra được hầu hết các chuyên gia cho rằng sẽ  có tác dụng tích cực đưa thị trường vàng sẽ đi vào nền nếp. Tuy nhiên có một vài vấn đề khiến dư luận lo ngại là có khoảng 90% trên tổng số 10.000 cửa hàng kinh doanh vàng sẽ không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng. Trong khi vàng miếng hiện là mặt hàng bán chạy nhất tại các cửa hàng vàng. Bên cạnh đó, sau 18h, ngân hàng đóng cửa, người dân muốn bán vàng sẽ bán ở đâu? Số phận vàng “phi SJC” sẽ ra sao?Liệu sẽ có những biến tướng?

Nhiều cửa hàng kinh doanh vàng sẽ phải đóng cửa

Hình minh hoạ. Ảnh: Internet

Theo khảo sát của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, rất nhiều chủ cửa hàng vàng hoang mang. Bà Nguyễn Vân Anh, chủ cửa hàng vàng Nghĩa Tân, Cầu Giấy tỏ ra lo lắng:

Từ trước đến nay, cửa hàng tôi bán chạy nhất là vàng miếng. Còn vàng trang sức rất ít người mua. Nhất là trong thời buổi hiện nay, người dân mua vàng chủ yếu là để tích trữ, hoặc mua đi bán lại, không mấy ai thừa tiền mua vàng trang sức. Theo nghị định mới, muốn kinh doanh vàng miếng phải có vốn điều lệ ít nhất 100 tỷ đồng thì chúng tôi không thể xoay được, thực tế đây là điều kiện đánh đố những người kinh doanh như chúng tôi. Hiện nay vốn điều lệ của cửa hàng chỉ có vài tỷ đồng. Ngoài ra những quy định khác như: số thuế nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong hai năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì hiếm có cửa hàng vàng nào đáp ứng để có đủ điều kiện cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng theo nghị định mới. Ông Nguyễn Văn Hưng, chủ cửa hàng vàng Ngọc Hà ở Cổ Nhuế cũng cho biết: Có lẽ trong thời gian tới, chúng tôi phải đóng cửa, chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. Tôi dám chắc là hầu hết các cửa hàng vàng tư nhân không  thể đáp ứng nổi điều kiện để được phép kinh doanh vàng miếng. Còn nếu chỉ kinh doanh vàng trang sức thì sẽ “chết” sớm.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam cũng cho biết điều kiện này sẽ loại bỏ 90% các tiệm vàng đang kinh doanh vàng miếng hiện nay. Như vậy nếu tính theo tiêu chuẩn của nghị định vừa ban hành, thì chỉ có hơn mười doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì mua bán vàng miếng như: SJC, PNJ, SBJ, Doji… 

Tuy nhiên, Nghị định 24 ra đời là cơ hội cho các tổ chức tín dụng bởi theo quy định, đối với các tổ chức tín dụng, điều kiện được cấp phép ngoài những giấy tờ như giấy phép đăng ký kinh doanh… nghị định còn yêu cầu thêm có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng trở lên và có mạng lưới chi nhánh từ 5 năm ở các tỉnh. Điều kiện này không quá khó đối với các tổ chức tín dụng.

Số phận vàng “phi SJC”

Theo nghị định 24, không chỉ vàng miếng SJC mà các thương hiệu vàng khác người dân vẫn được sở hữu, tức được mua bán, cho, tặng…Tuy nhiên việc mua bán này phải thực hiện tại các địa điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Từ ngày 25-5, người dân vẫn được mua bán vàng miếng nhưng không được sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Tuy nhiên điều khiến dư luận  quan tâm là số phận vàng “phi SJC” sẽ như thế nào bởi thực tế trong những ngày qua vàng “phi SJC” đang gặp bất lợi khi mua bán? Nghị định 24 và dự thảo thông tư hướng dẫn chưa đề cập đến việc chuyển đổi các thương hiệu vàng khác thành vàng miếng SJC khiến người dân và doanh nghiệp lo lắng. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng bản thân các thương hiệu vàng “phi SJC” trước đây cũng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, do vậy Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm xử lý sao cho người sở hữu các thương hiệu vàng này không bị thiệt. Theo ông Trúc, nên cho phép những loại vàng này khi kiểm định nếu đủ trọng lượng, chất lượng thì cho chuyển đổi sang vàng SJC. Ngân hàng Nhà nước có thể thu một số phí nhất định, chẳng hạn như mức 60.000 đồng mà Công ty SJC thu trước đây. Hiện nay do Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn nên việc chuyển đổi này vẫn bị tắc.

Tuy nhiên trong mấy ngày qua, những người sở hữu vàng miếng không phải của SJC đã đổ xô đi bán và nhiều trường hợp bị ép giá thấp hơn niêm yết. Vì vậy tại thời điểm này, người dân sở hữu vàng miếng không phải của SJC không nên đem bán, cần chờ thêm một thời gian khi Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn về việc chuyển đổi để tránh bị thiệt. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước nên sớm công bố lộ trình chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác sang vàng SJC để người dân đỡ lo lắng.

Có thể sẽ biến tướng

Nghị định 24 được coi là cú giáng mạnh cho giới đầu cơ vàng, chấm dứt tình trạng đầu cơ và làm giá vàng đã tồn tại đầy rẫy từ nhiều năm qua. Giá vàng trong nước năm qua luôn cao hơn giá quốc tế từ 2-4 triệu đồng/lượng. Lâu nay trên thị trường giá vàng niêm yết hàng ngày hầu hết được “tham chiếu” bởi công ty SJC. Trong khi nhiều dấu hiệu cho rằng SJC luôn đặt giá niêm yết cao hơn thế giới nhưng chưa bao giờ được giải thích đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại việc giới hạn kinh doanh vàng miếng sẽ dẫn đến tình trạng mua bán “chui”. Một chuyên gia kinh tế cho rằng sau khi Nghị định 24 đi vào thực thi từ (25-5), chúng ta phải lường trước có thể có những biến tướng. Chẳng hạn như các tiệm vàng đăng ký là mua bán trang sức, nhưng vẫn mua bán vàng miếng chui. Hoặc người dân vẫn mua bán vàng với số lượng lớn nhưng không phải là vàng miếng mà được thay bằng vàng nhẫn, thậm chí là những vòng lắc tay nặng một vài lượng. Khi đó họ tính công một chiếc nhẫn chỉ 10.000 đồng, cũng bằng tiền công vàng miếng nhỏ. 

 Theo các chuyên gia, để thực hiện những quy định mới đề ra, Nhà nước cần tiến tới mở cửa thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, khi đó giá vàng sẽ tự điều tiết để cân bằng và giao dịch sát với giá trên thị trường thế giới, thay vì phải dùng các biện pháp bình ổn bằng công cụ hành chính như hiện nay. Ngoài ra, NHNN nên áp dụng giao dịch vàng miếng bằng cách phát hành chứng chỉ để người dân giao dịch thông thoáng, tài sản được đảm bảo mà Nhà nước vẫn có thể dự trữ vàng. Bên cạnh đó, các điểm giao dịch ngân hàng nên có thêm dịch vụ ngoài giờ, dịch vụ cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật) để đáp ứng nhu cầu mua bán vàng của người dân. Bởi khi nghị định có hiệu lực thì sẽ xảy ra một thực tế là  hết giờ làm việc, các ngân hàng đóng cửa, người dân muốn mua bán vàng mà nhà ở xa các ngân hàng thì sẽ thực hiện giao dịch ở đâu? Trong khi trước đây, họ chỉ cần ra một cửa hàng bất kỳ là  có thể mua bánvàng.