Số phận cử chỉ bắt tay trong văn hóa giao tiếp của con người hậu đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau gần 2 năm trôi qua, khi một số quốc gia như Mỹ, châu Âu dần dỡ bỏ những quy định hạn chế sau khi triển khai những chiến dịch tiêm phòng vaccine Covid-19 thần tốc với quy mô trên diện rộng, những cái bắt tay cũng đang dần trở lại. Thế nhưng, cử chỉ lịch thiệp từng là khởi đầu của mọi mối quan hệ này liệu có thực sự trở lại như xưa hay có thể biến mất đi (?!).
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson“chào nhau” bằng khuỷu tay trong cuộc gặp song phương tại Vịnh Carbis, Cornwall (Anh) ngày 10-6-2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson“chào nhau” bằng khuỷu tay trong cuộc gặp song phương tại Vịnh Carbis, Cornwall (Anh) ngày 10-6-2021

Những cái bắt tay - vốn là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác bỗng dưng trở thành điều cấm kỵ kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát và lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.

Khi con người không còn bắt tay…

Để rồi, hơn cả mọi bài phát biểu hay những thông cáo báo chí được đưa ra, một trong những điểm nhấn nổi bật nhất từ Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra ở Geneva, Thụy Sỹ vào tuần trước là cái bắt tay tuyệt vời giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden trước ống kính của thế giới - một khoảnh khắc hiếm hoi về sự tiếp xúc thân thể giữa lãnh đạo cấp cao với nhau trong thời đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, chỉ một vài ngày trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ở Cornwall (Vương quốc Anh), Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo đồng cấp của các quốc gia khác vẫn “chào nhau” bằng khuỷu tay và đứng có khoảng cách với nhau tại các sự kiện diễn ra ngoài trời.

Tại Mỹ, hầu hết các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ và những người được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cũng không phải đeo khẩu trang ngay cả trong môi trường kín. Giãn cách xã hội gần như trở thành quá khứ trong khi các hoạt động đi lại trong nước đã được khôi phục. Tuy nhiên, nhiều người hiện vẫn tỏ ra thận trọng, nhiều cửa hàng và văn phòng làm việc vẫn khuyến khích đeo khẩu trang, bạn bè chào hỏi nhau bằng cách vẫy tay, trong khi những cái bắt tay dường như bị hạn chế tối đa.

Ông Jesse Green - kỹ thuật viên điện thoại ở New York (Mỹ) cho biết, sẽ từ chối bắt tay với khách hàng, nhưng sẽ bắt tay với những người mà ông biết và những người đã được tiêm phòng vaccine Covid-19. “Trong thời đại dịch, mọi người nhận thức rõ hơn về nguy cơ của những tình huống tiếp xúc bằng tay” - ông Jesse Green cho biết. Còn ông William Martin (68 tuổi, nghề nghiệp luật sư) nói rằng sẽ không bắt tay ai dù họ đã tiêm phòng hay chưa tới khi nào tình hình thực sự an toàn.

Một số công ty và tổ chức tại Mỹ hiện nay còn trang bị các vòng đeo tay có màu sắc cho nhân viên, khách hàng và khách đến làm việc để làm tín hiệu cho biết họ muốn tiếp xúc với đối phương ở mức độ nào. Theo đó, màu đỏ dành cho những người thận trọng nhất, giảm dần đến màu vàng và cuối cùng màu xanh lá cây là dành cho người thoải mái nhất.

Cái bắt tay tuyệt vời giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra ngày 16-6-2021

Cái bắt tay tuyệt vời giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden

tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra ngày 16-6-2021

Tất cả vì lợi ích sức khỏe cộng đồng

Giáo sư Jack Caravanos của khoa Y tế công cộng toàn cầu thuộc trường Đại học New York (Mỹ) cho biết, việc tránh bắt tay nhìn chung là biện pháp bảo vệ y tế cộng đồng hiệu quả trong việc tránh lây lan virus SARS-CoV-2, các bệnh cảm cúm, cảm lạnh thông thường và một số bệnh truyền nhiễm khác. Nhìn vào những lợi ích sức khỏe rộng lớn hơn, nhiều chuyên gia cũng không lấy làm tiếc khi trong xã hội không còn những cái bắt tay. “Về mặt khoa học, lây nhiễm virus thông qua tiếp xúc da là vấn đề vẫn còn gây tranh luận. Tuy nhiên, các bệnh cúm, cảm lạnh và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể bị lây truyền thông qua tiếp xúc. Vì vậy, việc tránh bắt tay nhìn chung là biện pháp bảo vệ y tế cộng đồng hiệu quả” - Giáo sư Jack Caravanos nói.

Nhìn vào những lợi ích sức khỏe rộng lớn hơn, nhiều chuyên gia cũng không lấy làm tiếc khi trong xã hội không còn những cái bắt tay. Cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Nhà Trắng Anthony Fauci thậm chí còn cho rằng, con người có lẽ không nên trở lại thói quen bắt tay nhau. “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ chúng ta nên bắt tay nhau nữa” - ông Anthony Fauci bày tỏ. Giáo sư xã hội học Allen Furr thuộc trường Đại học Auburn (Anh) cho biết, đại dịch Covid-19 có thể khiến số người “ngại tiếp xúc” gia tăng vì tâm lý “không đến gần để đảm bảo an toàn” dần ăn sâu trong xã hội.

“Bắt tay vốn dĩ là một nghi thức được truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng sau 16 tháng, thế giới bị tổn thương sâu sắc bởi đại dịch Covid-19, nghi thức này có thể bị suy yếu và mất đi, khi không được truyền lại cho thế hệ sau” - Giáo sư Allen Furr phân tích. Thay vào đó, các hình thức chào khác như nắm tay, vẫy tay hoặc các lựa chọn thay thế như chào “namaste” kiểu Ấn Độ có thể ngày càng trở nên phổ biến so với kiểu bắt tay nồng nhiệt.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Infection Control & Hospital Epidemiology đề nghị hành vi bắt tay nên bị cấm trong mùa đông, mùa bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa và hô hấp lây lan mạnh nhất

Một nghiên cứu trên Tạp chí Infection Control & Hospital Epidemiology đề nghị hành vi bắt tay nên bị cấm trong mùa đông, mùa bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa và hô hấp lây lan mạnh nhất

Sự “mất mát” khi xã hội không còn những cái bắt tay!

Tuy nhiên, ở một phương diện khác, có những người vẫn cảm thấy “mất mát” khi xã hội không còn những cái bắt tay. Patricia Napier-Fitzpatrick, nhà sáng lập trường Etiquette ở thành phố New York (Mỹ) cho rằng, thông qua một cái bắt tay, chúng ta có thể hiểu rất nhiều về một người, đó là một phần ngôn ngữ cơ thể. Chạm vào ai đó cũng là cách thể hiện lòng tin với đối phương và đánh tín hiệu rằng bạn không làm hại họ. Thực tế cũng đã có nhiều người mất việc vì không biết cách bắt tay.

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn rất nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày của con người và thói quen bắt tay cũng là một trong số đó. Giáo sư Allen Furr thuộc trường Đại học Auburn (Anh) bày tỏ hy vọng rằng, những cái bắt tay sẽ không biến mất vì “đó là một nghi lễ quá quan trọng trong nền văn hóa của chúng ta”. Nhiều người tin rằng, đại dịch lần này như một bài thử nghiệm với thói quen bắt tay trong khi nhiều người khác cũng hy vọng thói quen này sẽ trường tồn vì với họ, đó là một nghi thức lịch thiệp quan trọng trong văn hóa tiếp xúc của loài người.

“Các nhà lãnh đạo và cả xã hội nên từ bỏ truyền thống bắt tay ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Trong giao tiếp xã hội, hãy quên việc bắt tay đi. Chúng ta không cần phải bắt tay. Chúng ta phải phá vỡ phong tục đó”.

Bác sĩ Anthony Fauci (Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ)

“Về mặt khoa học, lây nhiễm virus thông qua tiếp xúc da là vấn đề vẫn còn gây tranh luận. Tuy nhiên, các bệnh cúm, cảm lạnh và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể bị lây truyền thông qua tiếp xúc. Vì vậy, việc tránh bắt tay nhìn chung là biện pháp bảo vệ y tế cộng đồng hiệu quả”.

Giáo sư Jack Caravanos (Khoa Y tế công cộng toàn cầu, trường Đại học New York - Mỹ)

“Bắt tay vốn dĩ là một nghi thức được truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng sau 16 tháng, thế giới bị tổn thương sâu sắc bởi đại dịch Covid-19, nghi thức này có thể bị suy yếu và mất đi, khi không được truyền lại cho thế hệ sau”.

Giáo sư Allen Furr (Trường Đại học Auburn - Vương quốc Anh)