Số người chết do bão số 12 gia tăng, 17 thuyền viên vẫn mất tích

ANTD.VN - Thông tin từ Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, số người chết do bão số 12 đã tăng lên thành 27, ngoài ra còn có 22 người mất tích. Thiệt hại vẫn tiếp tục gia tăng trong khi hoàn lưu bão được dự báo sẽ gây mưa đặc biệt lớn trên diện rộng.

Số người chết do bão số 12 gia tăng, 17 thuyền viên vẫn mất tích ảnh 1

Nhiều nơi giao thông bị chia cắt do ngập sâu hoặc sạt lở (ảnh: Báo Giao thông)

Còn 17 người mất tích trên biển

Tại cuộc họp sáng 5-11, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai thông tin số người chết do bão Damrey đã tăng lên thành 27 và 22 người mất tích. Nằm trong vùng tâm bão đi qua, tỉnh Khánh Hòa có 16 người thiệt mạng, hơn 300 ngôi nhà bị sập, trên 25.000 nhà tốc mái.

Không bị bão đổ bộ nhưng tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng về người do các sự cố chìm tàu hàng trên biển. Đến sáng 5-11, tỉnh Bình Định có 10 tàu hàng bị chìm, hư hỏng trong khu vực cảng Quy Nhơn và khu vực phao số 0. Các cơ quan chức năng đã vớt được 74 người (70 người còn sống, 4 người chết), hiện còn 17 người đang trôi dạt hoặc mất tích trên biển.

Số người chết do bão số 12 gia tăng, 17 thuyền viên vẫn mất tích ảnh 2

Tỉnh Bình Định có 10 tàu hàng bị chìm, hiện còn 17 người đang trôi dạt hoặc mất tích trên biển (ảnh: Báo Bình Định)

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đánh giá, bão số 12 đã tan nhưng để lại hậu quả nặng nề. Ông Hoài đặt vấn đề: “Nhiều người chết do chìm tàu vận tải, nhà đổ có phải do chủ quan, chưa quyết liệt cảnh báo, di dời hay không?”

Dẫn thực tế những cơn bão mạnh tương tự, thậm chí mạnh hơn vào Bắc Trung Bộ nhưng thiệt hại về người không lớn, ông Hoài cho rằng có nguyên nhân một số địa phương lúng túng, chưa quyết liệt.

Mặt khác, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh: “Các số liệu về thiệt hại, sự cố ở những vùng bị ảnh hưởng cần phải đưa chính xác để có những phương án khắc phục. Trên mạng hiện nay có nhiều con số sai với thực tế, phần nào đó gây hoang mang dư luận, cũng như làm chệch hướng ứng phó, cứu nạn”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các lực lượng liên quan cùng các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, đôn đốc nhanh chóng khôi phục đời sống sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, cần đánh giá chi tiết về cơn bão số 12, có bài học rút kinh nghiệm về thiệt hại do chủ quan lẫn khách quan.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu sau bão, hôm nay các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định, bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) có mưa rất to. Riêng các tỉnh từ Thiên Huế đến Quảng Ngãi mưa đặc biệt to và kéo dài đến ngày 7-11.

Mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực nam Tây Nguyên đang lên nhanh; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên dao động ở mức đỉnh; các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa đang xuống.

Ứng phó với lũ, ông Trần Quang Hoài đề nghị, ngay chiều nay sẽ mời các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý để cùng tính toán vận hành xả lũ liên hồ chứa, cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du, nhất là đúng thời điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC.

Nhiều nơi ngập lụt, giao thông chia cắt

Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn khiến lũ trên các sông tại khu vực miền Trung lên nhanh, nhiều nơi bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt.

Từ rạng sáng 5-11, tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã ngập sâu nhiều đoạn. Lực lượng chức năng và CSGT phải thực hiện lệnh cấm đường để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Đến 12h trưa nay, lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng đã cho một số phương tiện lưu thông qua đoạn bị ngập sâu.

Tại TP.Huế, nước sông Hương lên nhanh đã gây ngập lụt nhiều địa bàn dân cư như Phú Hậu, Phú Hiệp, Xuân Phú, Phú Hòa, Phú Bình... Các xã Quảng Thành, Quảng Phước thuộc huyện Quảng Điền và đặc biệt là khu vực phía nam tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều vùng đã ngập sâu.

Nhiều khu vực tại phố cổ Hội An bị ngập sâu trong nước (ảnh: Báo Quảng Nam)

Tại Hội An (tỉnh Quảng Nam), lúc 11h30 trưa nay, mưa lớn khiến hàng loạt tuyến đường phố cổ bị ngập sâu. Tại đường Bạch Đằng chạy dọc theo bờ kè sông Hoài đã ngập sâu gần 2m.

Tại Khánh Hòa, tính đến trưa nay, tuyến Quốc lộ 27 C (đường Khánh Hòa lên Đà Lạt) vẫn còn hàng loạt vị trí sụt trượt gây tắc đường, chia cắt giao thông. Mưa lớn khiến nguy cơ các điểm sạt lở có thể vẫn tiếp diễn…