Số liệu… “méo mó”

(ANTĐ) - Tại một hội nghị thống kê vừa diễn ra tại Hà Nội, có người đã ví Tổng cục Thống kê như “ong chúa”, còn thống kê của các Bộ, ngành, địa phương như “đàn ong thợ”.

Số liệu… “méo mó”

(ANTĐ) - Tại một hội nghị thống kê vừa diễn ra tại Hà Nội, có người đã ví Tổng cục Thống kê như “ong chúa”, còn thống kê của các Bộ, ngành, địa phương như “đàn ong thợ”.

Chất lượng thông tin, thu tập thông tin, báo cáo thông tin phải được coi là những “phấn hoa” tinh khiết nhất được mang về nguyên vẹn và nguyên chất để Tổng cục Thống kê phân tích, tổng hợp và công bố. Khi số liệu thống kê “so le”, thiếu chính xác hoặc sai lệch thì hệ lụy và hậu quả của nó thật khó lường.

Trong mấy năm qua, nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, kết nối mạng truy cập phủ sóng khắp cả nước, phần lớn các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp lớn đã tổ chức các bộ phận thống kê với trình độ khá chuyên nghiệp, là kênh thông tin đáng tin cậy cung cấp cho Tổng cục Thống kê xử lý thông tin, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội một cách khoa học, khách quan và chuẩn xác.

Tuy nhiên trên thực tế, công tác thống kê vẫn còn những “lỗ hổng” do số liệu méo mó khiến không ít các bộ, ngành phải lên tiếng phàn nàn. Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Giáo dục-Đào tạo kêu rằng, nhiều số liệu thông kê thiếu chính xác như các con số về chi tiêu tài chính, số liệu dân số theo độ tuổi đi học, theo giới tính, dân tộc thiểu số, số lượng trẻ khuyết tật để tính toán tỷ lệ huy động học sinh nhập học các cấp. Do đó rất khó xoay xở trong công tác quản lý ngành. Tổng cục Thống kê thì “đổ lỗi” cho báo cáo sai lệch từ các cơ sở.

Đơn cử, trong khối các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có tình trạng một số đơn vị không báo cáo hoặc báo cáo sai lệch tình hình kinh doanh. Tháng 4-2010 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã không báo cáo cho Cục Điều tiết điện các số liệu về tình hình cung ứng điện, cắt điện, nhưng lại công bố với báo chí số liệu sai đã khiến Cục Điều tiết điện phải lên tiếng cảnh báo. Hoặc như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã báo cáo năm 2009 và quý I-2010 làm ăn có lãi, nay đã được cơ quan chức năng xác định là không đúng sự thật. Một quan chức Bộ Kế hoạch-Đầu tư nhận định, sở dĩ Tập đoàn này báo cáo gian dối là để được hưởng chính sách vay vốn hỗ trợ trong thời điểm kinh tế suy thoái.

Trong hai năm 2008-2009, đã phát hiện ở các Bộ, ngành nhiều trường hợp thông tin sai lệch, gây ra nhiều thắc mắc và hoài nghi về công tác thống kê. Ví dụ cuối năm 2009, Ngân hàng Nhà nước công bố đã cấp phép xuất khẩu tổng cộng 32 tấn vàng và các doanh nghiệp đã xuất khẩu 26,7 tấn. Song, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, riêng quý I-2009, Việt Nam đã xuất khẩu 84 tấn vàng. Vậy con số nào là chính xác, là đáng tin cậy? Gần đây nhất, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đã có 10 tỉnh cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng 300.000ha, nhưng qua đi thực tế, giám sát, Ủy ban Quốc hội khẳng định con số thực tế là 398.374ha. Phải thừa nhận rằng, lực lượng làm thống kê ở các Bộ, ngành chưa được đào tạo chính quy, nhiều người còn kiêm nhiệm, trong khi đó lại chưa có chế tài xử lý các đơn vị, cá nhân không gửi báo cáo hoặc làm ẩu, làm dối mang tính đối phó.

Có câu: “Sai một ly đi một dặm”. Số liệu “méo mó”, thông tin sai lệch, chẳng những không đảm bảo độ tin cậy, mà việc đánh giá, phân tích kinh tế vĩ mô, phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành kinh tế đất nước sẽ đi đến đâu?

Đan Thanh