Sở hữu chéo ngân hàng - chưa dễ xử lý phần chìm của “tảng băng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vấn đề sở hữu chéo đang được ngành ngân hàng xử lý quyết liệt trong nỗ lực lành mạnh hóa tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại. Dù vậy, vẫn không dễ xử lý phần chìm của tảng băng này nếu các cổ đông cố tình che giấu.
  • Vẫn khó xử lý nếu cổ đông lớn cố tình che giấu

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý vấn đề sở hữu chéo, sở hữu vượt giới hạn quy định, NHNN tiếp tục quan tâm xem xét, nhận diện và có giải pháp kiểm soát, quyết liệt xử lý vấn đề sở hữu chéo, vi phạm sở hữu cổ phần gắn với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại... Theo đó, sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.

Tính đến tháng 10/2022, các tổ chức tín dụng đã cơ bản xử lý, khắc phục một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo.

Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã được khắc phục. Đối với sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm chỉ còn 1 trường hợp là tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).

Tỷ lệ sở hữu của ACB tại Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,05%.

Tình trạng sở hữu chéo vẫn khó xử lý triệt để

Tình trạng sở hữu chéo vẫn khó xử lý triệt để

Dù kết quả đạt được tích cực, song NHNN thừa nhận thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định.

Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Nguồn cơn của mọi cuộc khủng hoảng

Cũng đánh giá vấn đề sở hữu chéo ngân hàng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cho biết: Lâu nay, cội nguồn mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Việt Nam đều chỉ có duy nhất một nguyên nhân, đó là sở hữu chéo.

“Tôi đã làm việc trong lĩnh vực ngân hàng cả cuộc đời và chưa thấy cuộc khủng hoảng nào xảy ra với lĩnh vực ngân hàng mà không xuất phát từ nguyên nhân này” – ông nói.

Theo vị chuyên gia, việc phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.

Ví dụ, có tập đoàn thành lập tới hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan thanh tra giám sát của NHNN có thể nhìn thấy, nhưng không có chế tài để theo dõi, giám sát hết được, trong khi đây là lại là gốc rễ rủi ro an ninh tiền tệ - ngân hàng.

“Điều tôi lo ngại nhất là an ninh hệ thống ngân hàng và công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, bởi sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn khó nhận diện, song lại gây ra nguy cơ rất lớn cho hệ thống. Mối nguy đó tích tụ hàng chục năm nay và đang ở mức đáng báo động” – TS Lê Xuân Nghĩa bày tỏ lo ngại.

Theo ông, để xảy ra tình trạng này không hoàn toàn do lỗi của doanh nghiệp. Có một thực tế là, chính sách của chúng ta vẫn chưa hướng được các doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu, dài hạn, như công nghiệp hóa.

Một khi chính sách chưa hướng được doanh nghiệp đầu tư vào các mục tiêu dài hạn, thì doanh nghiệp sẽ tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn, như bất động sản. Theo đó, họ sẽ phải “đẻ” ra hàng loạt công ty con để vay vốn ngân hàng.

Do đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vấn đề an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống phải là trọng tâm xử lý của NHNN và phải tập trung nguồn lực thật sự không chỉ năm 2023, mà còn nhiều năm tới, vì xử lý sở hữu chéo không thể hoàn thành trong 1-2 năm.