Siêu ngư lôi VA-111 Shkval: Một phút cho những trận chiến sinh tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval với tốc độ cực cao chính là yếu tố quyết định chiến thắng trong những trận chiến sinh tử giữa tàu ngầm Nga và chiến hạm đối phương.

Truyền thông Mỹ nói gì về siêu ngư lôi Nga?

Giới chuyên gia Mỹ đã nhiều lần nêu ý kiến với giới truyền thông về sự nguy hiểm của ngư lôi tốc độ cao VA-111 Shkval trên tàu ngầm Nga đối với Hải quân Mỹ.

Theo chuyên gia Kyle Mizokami viết trên ấn bản 19FortyFive của Mỹ, ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval của Nga có khả năng đạt tốc độ di chuyển dưới nước lên tới 200 hải lý/giờ (tương đương 370km/h). Mặc dù có những nhược điểm lớn nhưng nó thực sự là cơn ác mộng đối với Hải quân Mỹ.

Theo tác giả, tàu ngầm Nga hiện là tàu chiến duy nhất trên thế giới được trang bị vũ khí như vậy.

Một số quốc gia khác cũng tuyên bố có những loại ngư lôi siêu tốc như Nga, ví dụ như Iran tuyên bố có ngư lôi siêu trọng lực Hoot, hay công ty Diehl-BGT của Đức đã trình diễn công nghệ ngư lôi Barracuda có tốc độ tối đa lên tới 194 hải lý/giờ; tuy nhiên những dự án này hoặc bị nghi ngờ vì tính xác thực, hoặc vẫn đang còn nằm trên giấy.

Shkval được gọi là một trong những vũ khí sáng tạo nhất từng được giới công trình sư Liên Xô phát triển, nhằm đối phó với mối uy hiếp từ bước đột phá mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc phát triển các động cơ hạt nhân.

Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval được coi là có tốc độ nhanh nhất thế giới
Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval được coi là có tốc độ nhanh nhất thế giới

Tác giả nhắc lại, ngư lôi đạt được tốc độ như vậy là do nó được trang bị động cơ tên lửa đẩy chất rắn rất mạnh, nhưng điểm cốt yếu là nó chuyển động trong khoang bọt khí, tức là vùng không gian giữa ngư lôi và nước biển chứa đầy hơi nước, giúp giảm thiểu sự tiếp xúc với nước.

Ngư lôi Shkval sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, phần đầu lắp thiết bị tạo khoang đặc biệt. Đó là một miếng kim loại dày hình elip được mài sắc cạnh, có góc nghiêng so với trục dọc, mặt cắt ngang hình tròn để tạo góc nâng.

Đầu ngư lôi bổ sung những ống dẫn khí tạo bọt, bọt khí được tạo ra bởi một máy nguồn tăng khí ga. Điều này cho phép tăng khối bọt khí và tạo bong bóng bao trùm toàn bộ thân ngư lôi, khiến nó không chịu sự ma sát của nước biển và không bị giảm tốc độ.

Những nhược điểm của Shkval

Bài báo lưu ý, nhược điểm lớn nhất của VA-111 Shkval là gây nguy hiểm cho chính tàu ngầm vì tầm bắn của nó quá ngắn, (tối đa chỉ đạt gần 7km) khiến tàu ngầm phải tiến quá gần đối phương, có thể bị các hệ thống chống ngầm trên các tàu đối phương phát hiện.

Nhược điểm lớn thứ hai là Shkval phá vỡ tính bí mật trong tác chiến tàu ngầm do nó tạo ra tiếng ồn cực lớn và hình thành đường bọt khí nổi trên mặt nước rất dễ bị đối phương phát hiện. Tàu ngầm phóng ngư lôi sẽ ngay lập tức bị đối phương khoanh vùng vị trí phóng.

Nhược điểm lớn thứ ba là khả năng cơ động của Shkval là rất thấp do một cú chuyển hướng gấp sẽ phá vỡ bong bóng siêu khoang.

Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval được bao bọc trong khoang không khí nên không chịu ma sát của nước biển
Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval được bao bọc trong khoang không khí nên không chịu ma sát của nước biển

Nhược điểm lớn thứ tư là khó khăn khi dẫn đường, bởi Shkval không có khả năng sử dụng các hệ thống dẫn đường truyền thống. Bong bóng khí và động cơ tên lửa tạo ra tiếng ồn quá mức để làm “điếc” hệ thống sonar chủ động và thụ động được tích hợp trong ngư lôi.

Vì sao Nga vẫn không bỏ Shkval?

Mặc dù có những nhược điểm lớn rõ ràng như vậy nhưng các tàu ngầm Nga không bao giờ bỏ ngư lôi Shkval. Điều này xuất phát từ những lí do chính sau:

Thứ nhất là các tàu ngầm hạt nhân và thông thường của Nga vốn nổi tiếng về độ im lặng hoàn toàn có thể áp sát các chiến hạm đối phương với khoảng cách cực gần, điều này đã được chứng minh trong quá khứ khi các tàu ngầm Liên Xô đã nhiều lần đột ngột trồi lên cạnh chiến hạm Mỹ hoặc các tàu ngầm Nga đã nhiều lần nổi lên gần bờ biển nước Mỹ.

Thứ hai là tốc độ đáng kinh ngạc lên tới 370 km/h của Shkval, khi tàu ngầm đã vào vị trí phóng thì chỉ 1 phút sau quả ngư lôi đã lao vào mục tiêu. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để kẻ thù có cơ hội phát hiện ra ngư lôi chứ đừng nói là lẩn tránh hoặc đánh chặn. Do đó, nó không cần bất cứ sự dẫn đường hay chuyển hướng thêm lần nào.

Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval chỉ cho đối thủ 1 phút để phát hiện, lẩn tránh hoặc đánh chặn
Ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval chỉ cho đối thủ 1 phút để phát hiện, lẩn tránh hoặc đánh chặn

Thứ ba là Shkval sẽ rất hữu dụng trong “tao ngộ chiến” ở những vùng biển có sự hoạt động của các cường quốc hải quân. Trong bối cảnh thường xuyên xảy ra những cuộc chạm trán sinh tử mà tàu ngầm không thể che giấu vị trí, tốc độ của ngư lôi Shkval sẽ là vũ khí quyết định sự thắng lợi của trận đánh.

Thứ tư là các công trình sư Nga đang nỗ lực hiện đại hóa VA-111 Shkval lên phiên bản 2.0 với tốc độ tối đa tăng lên gấp bội và độ sâu hành trình khi tấn công của ngư lôi cũng tăng lên để bảo đảm tính bí mật.

Theo Viện sĩ Shamil Aliyev, hiện tại VA-111 Shkval chỉ có khả năng lặn xuống độ sâu tới 25 mét, nhưng ở phiên bản mới, thông số này lên tới 100 mét giúp làm giảm khả năng phát hiện của đối phương.

Với những lợi thế đã có và sự nâng cấp mạnh trong tương lai, thật dễ hiểu là tại sao Nga vẫn giữ ngư lôi siêu khoang trên các tàu ngầm của mình. Và cũng chỉ có Nga mới có những tàu ngầm siêu êm để có khả năng tung ra đòn quyết định trận đánh bằng loại ngư lôi kiểu này.