Siêu lừa đã “lòe”… “con mồi” như thế nào?

ANTĐ - Khẩn trương điều tra vụ án Phạm Quang Hà, 30 tuổi, quê Nghệ An (có 1 tiền án về tội cướp giật tài sản, hiện đang làm công nhân một công ty điện lực tại Hà Nội), bị bắt tối 20-12 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 21-12, CQĐT CATP Hà Nội cho biết, đã xác định gần 7 bị hại mắc “bẫy lừa” của Hà.

CQĐT đọc lệnh bắt Phạm Quang Hà 

Theo điều tra của cơ quan công an, Hà “khoe” với nhiều người có khả năng xin việc làm tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Vì biết Hà đang làm trong ngành điện, nên nhiều bị hại đã đặt niềm tin vào anh ta. Trong số này có bà Ngọ Thị Tâm, nhà ở huyện Từ Liêm, Hà Nội. Hà thông báo với bà Tâm để xin việc cho mỗi trường hợp phải “chi” 150 triệu đồng. Bà Tâm đã tiếp tục giới thiệu với nhiều người khác về “chương trình tuyển lao động” của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, từ đó thu được của 61 trường hợp số tiền hơn 9,2 tỷ đồng. Để “bảo toàn” cho cá nhân, Hà nhận tiền của bà Tâm theo hình thức viết giấy vay tiền, tổng cộng 6 lần, từ tháng 3 đến tháng 7-2011. Việc giao nhận tiền và hồ sơ xin việc làm được Hà thực hiện tại sảnh một khu chung cư ở khu vực Mỹ Đình, huyện Từ Liêm. Hà ở nhờ nhà người họ hàng trong một căn hộ tại khu chung cư này, song mục đích cũng để “lòe” “con mồi” về sự giàu có của anh ta.

Để củng cố thông tin, Hà đưa cho bà Tâm xem 5 bản thông báo của Tổng công ty Điện lực Hà Nội về việc xin bổ sung nhân sự cho các công ty điện lực trực thuộc, trong đó có danh sách những trường hợp mà bà Tâm đang xin hộ. Kèm với đó là bản thông báo lịch kiểm tra sức khỏe, sát hạch, nghe quy chế tại hội trường của Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Ngày 20-7-2011, thời điểm ghi trong giấy hẹn, các bị hại tìm đến Tổng công ty Điện lực Hà Nội thì mới biết đơn vị này không có chương trình tuyển lao động nào. Bà Tâm tìm bằng được Hà để hỏi, thì anh ta thông báo là không xin được việc làm như cam kết, đồng thời viết giấy với nội dung đã nhận hơn 9,2 tỷ đồng của bà Tâm để xin việc làm cho 61 trường hợp, nhưng… không xin được. Sau đó, Hà đã chuyển lại bà Tâm 85.000 USD và 800 triệu đồng (tương đương khoảng hơn 2,5 tỷ đồng).

Ngoài trường hợp của bà Tâm, CQĐT còn nhận được đơn tố cáo Phạm Quang Hà của ông Quyết - trú ở xã Mỹ Đình, Từ Liêm; anh Đức - quê quán Quảng Xương, Thanh Hóa; và anh Tuấn, nhà ở huyện Từ Liêm. Ba người này đã chuyển cho Hà 7 bộ hồ sơ và số tiền hơn 500 triệu đồng, nhưng không ai xin được việc làm. Bị đòi gắt, Hà chỉ trả lại cho các bị hại vài chục triệu đồng rồi… lờ đi.

Tại CQĐT, Phạm Quang Hà đã thừa nhận hành vi phạm tội. Những giấy tờ giả Hà tự soạn thảo trên máy tính cá nhân, sau đó “sưu tầm” các tài liệu có chữ ký và con dấu của Tổng công ty Điện lực Hà Nội rồi ghép vào các bản thông báo, từ đó đem đi photocopy để chuyển cho các bị hại. Phần lớn trong số tiền hơn 9,2 tỷ đồng chiếm đoạt được, Hà sử dụng để ăn nhậu, đi vũ trường và mua xe ô tô…