Sen hồng một độ…

(ANTĐ) - Khi hừng đông vừa hé, cũng là lúc muôn đôi cánh hồng mỏng manh và thơm ngát của sen bung tỏa gọi nhau nối từ đầm này sang đầm khác. Cùng với những chủ đầm khác, cha con ông Trọng bắt đầu công việc hái sen của mình.

Sen hồng một độ…

(ANTĐ) - Khi hừng đông vừa hé, cũng là lúc muôn đôi cánh hồng mỏng manh và thơm ngát của sen bung tỏa gọi nhau nối từ đầm này sang đầm khác. Cùng với những chủ đầm khác, cha con ông Trọng bắt đầu công việc hái sen của mình.

Ông Trọng người to cao rắn rỏi, đậm nắng gió đầm. Bàn tay mạnh mẽ bao nhiêu khi chống sào đẩy chiếc thuyền con đi như lướt trên đầm sen rộng mênh mông thì khi cúi người, ngắt từng bông sen lại dịu dàng và nâng niu bấy nhiêu. Cậu con trai đang học lớp 11, làn da hồng hồng, nụ cười duyên duyên, ra chất “trai Hà Nội” thời 9X nhưng không việc nào về sen mà không thạo. Hai cha con cứ người ngắt người đón cho đến khi nào đủ 600 - 1.000 bông mới thôi. Đây là sen dành riêng để ướp trà mang thương hiệu “trà sen hồ Tây” nổi tiếng mà chỉ những người sành uống và chịu chơi mới kham nổi. Vì giá trà đắt gấp nhiều lần so với trà sen công nghiệp thường và số lượng cũng rất hạn chế.

Người mua hoa sen ướp trà đã chờ sẵn ở trên bờ, nhiều khi tách cánh, lấy gạo sen và nhị sen ngay tại chỗ. Lúc này, ông Trọng thong thả ngồi trong chiếc lều thênh thênh gió của mình để tận hưởng ấm trà sen sớm trong khi cậu con trai lăng xăng giúp người mua sen bó hoa, đặt lên xe… Cứ như thế, hơn chục đầm sen xanh ngút rộn ràng tiếng người cười nói, tiếng khen sen năm nay nhiều cánh, già bông…

Mấy năm trở lại đây, “bến Hàn Quốc” và đầm sen Tây hồ là địa danh quen thuộc của người Hà thành. Vượt qua những ngột ngạt chật chội của thành phố, nhất là những khi mùa hè đang nắng nóng gắt gao như thế này, men theo những con ngõ rất nhỏ tưởng chừng không có lối ra của phố Tô Ngọc Vân hoặc Âu Cơ, bất chợt, một vùng không gian rộng và xanh ngỡ ngàng trải ra trước mắt. Đường mang tên “bến Hàn Quốc” chính là đoạn kè dở của kè hồ Tây, dài chừng vài trăm mét, có lan can, có cột đèn uốn lượn chia đôi không gian thơ mộng với một bên là hồ Tây rập rờn sóng nước, bên kia là bát ngát những đầm sen đang vào mùa rộ, lá và bông vươn cao mỡ màng, đua chen nhau tỏa hương, khoe sắc.

Từng đi vào ca dao như một vẻ đẹp đặc sắc của Thăng Long xưa, ngày nay, “đầm sen Tây hồ” là chốn thưởng thức thiên nhiên kỳ diệu và hiếm hoi còn sót lại của Hà Nội. Không khí thanh sạch bởi được gió hồ Tây và muôn vàn tấm lá sen thanh lọc tinh khiết. Chính bởi vậy, sáng sáng chiều chiều, đầm sen hồ Tây còn được đón thêm rất nhiều khách đến, ngắm cảnh và trải phút thư thái tâm hồn.

Chụp ảnh cưới có khi phải đến từ 5 giờ sáng, khi sen còn nhiều, he hé nở và tận dụng được thảm cánh hoa sen những người làm trà sen tách ra bỏ lại với giá thuê bối cảnh khoảng 100 nghìn đồng. Nhưng nếu chỉ dạo mát và ngắm cảnh thì bạn có thể đến bất cứ lúc nào. Nếu may mắn, bạn có thể được đích thân chủ đầm chống thuyền đi hái vài chục bông sen bán cho bạn. Và may mắn hơn, bạn có thể được ngồi trên chiếc chòi, vừa hóng gió vừa nhâm nhi chén trà sen với chủ. Người trồng sen cũng làm trà sen để thưởng thức cái thú vui tao nhã của người thư nhàn. Nhưng trà sen của người trồng sen lại cầu kì hơn và tự nhiên hơn trà bán ngoài hàng.

Ông Trọng bảo, thường thì muốn uống trà ngon, trà trước tiên phải là trà sạch. Từ chiều hôm trước, mang trà ra giữa đầm, chọn bông sen nào to, hương thơm tinh khiết nhất, khẽ tách cánh ra, mỗi lớp sen vài cánh trà, cả bông chỉ độ một chén con trà thôi, đừng tham. Rồi buộc bông sen lại, cho qua đêm, hương thơm của sen cùng sương và khí trời thấm đẫm vào sen. Sáng ra chỉ việc tách bông sen ấy, lấy trà về pha ngay, không cần tráng, vị thơm đậm đà mà thanh khiết của chén trà cứ như đưa ta thoát khỏi cõi tục…

Giữa những đợt gió thơm lành thổi đến, bạn cũng sẽ được nghe ông Trọng chậm rãi tâm tình. Nghề làm sen lắm nhọc nhằn mà cũng lắm cái vui. Chỉ diễn ra trong mấy tháng, bắt đầu từ sinh nhật Bác Hồ cho đến ngày Quốc khánh 2-9 là “giã sen”, nhưng mấy tháng ấy, ăn ngủ cùng sen, một nắng hai sương thật mà cứ thanh thản, vô ưu và khỏe mạnh kỳ lạ. Hóa ra tiếp xúc với những thứ thanh cao, mình hình như cũng được lây nét “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” của nó.

Cứ như thế, khi người cha rầm rì bên chén trà sen tỏa hương thì cậu con trai tung tăng cùng con chó nhỏ quanh mép đầm. Ngắm khung cảnh ấy, người yêu sen, yêu thiên nhiên thầm mong, dù “sen hồng một độ” thôi, nhưng đừng bao giờ bị công viên, biệt thự lấn chiếm, dồn đuổi, o ép và biến mất khi đất quanh vùng này ngày càng “tấc đất tấc vàng”.

Hương Giang