Sẽ sớm giải quyết đất dịch vụ cho dân

ANTĐ - UBND TP Hà Nội vừa trả lời các kiến nghị của cử tri trước thềm kỳ họp thứ 6, HĐND TP khóa XIV. Nhiều vấn đề bức xúc liên quan tới đô thị, nhà đất đã được thành phố giải đáp, làm rõ và cam kết các giải pháp xử lý, khắc phục tồn tại.

Nhiều khu đất dịch vụ đã quá hạn nhưng vẫn chưa làm xong hạ tầng

52.000 hộ đang chờ  “sổ đỏ”

Gửi nỗi niềm mỏi cổ chờ đợi tới lượt được cấp “sổ đỏ” tới UBND TP, cử tri phàn nàn, “việc xử lý bán nhà theo Nghị định 61/CP quá chậm dù hầu hết các hộ dân đã thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính và nghĩa vụ về tài chính...”. UBND TP trả lời, tổng số hồ sơ đã nhận đến nay (bao gồm hồ sơ đã nhận từ năm 2011) là 6.449 hộ. Trong đó, mới cấp được “sổ đỏ” cho 1.602 hộ, còn 2.202 hộ đã trình UBND quận, huyện xử lý. Tổng số Giấy chứng nhận tồn tại công ty, xí nghiệp kinh doanh nhà là hơn 1.653 hồ sơ. Cộng với số căn hộ của các cơ quan tự quản không còn đầu mối quản lý, trên toàn TP, số hộ chưa bán và cấp GCN theo quy định tại Nghị định 61/CP trên địa bàn Hà Nội còn nhiều, tính chất lại phức tạp, hiện còn khoảng 52.000 căn với diện tích 1,56 triệu m2. Trong đó, 45.000 căn thuộc diện được bán và cấp GCN; 7.000 căn thuộc diện không bán và cấp GCN do vướng quy hoạch, nhà có tranh chấp, khiếu kiện, thuộc danh mục nhà biệt thự và phố cổ không được bán.

Để khắc phục, TP sẽ tiếp tục rà soát, phân loại, xác định cụ thể các trường hợp đủ điều kiện được bán, không được bán để công khai cho người dân được biết; các trường hợp có tranh chấp, khiếu kiện thì giải quyết dứt điểm để triển khai việc bán nhà theo quy định. Đồng thời, sẽ công khai quy trình thủ tục, hồ sơ, thời gian giải quyết, danh sách nhà được bán, chưa được bán, giá bán; tăng cường bộ phận “một cửa”, thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của dân. Đặc biệt, TP yêu cầu thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc giải quyết hồ sơ bán nhà, kịp thời phát hiện và xử lý các cá nhân vi phạm; phối hợp với các cơ quan có liên quan để kịp thời giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong công tác tiếp nhận, bán nhà...

“Nợ” đáo hạn chưa kịp trả

Bức xúc vì tiến độ giao đất dịch vụ cho dân quá chậm, cử tri huyện Hoài Đức đề nghị TP tập trung giải quyết dứt điểm việc này. Thừa nhận sự chậm trễ, TP cho biết, tổng số hộ gia đình bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp đủ tiêu chuẩn được giao đất dịch vụ 62.044 hộ, song tới nay mới giao 31,22ha đất dịch vụ cho 4.588 hộ gia đình, đạt 7,4% số hộ. Đáng chú ý, tổng nhu cầu đất dịch vụ (đất ở) trên địa bàn toàn TP còn thiếu 559ha, kể cả diện tích đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Nhiều dự án đã đến hạn (quá 3 năm) phải giao đất dịch vụ (đất ở) cho các hộ gia đình, nhưng nhiều quận, huyện chưa chuẩn bị xong quỹ đất dịch vụ, chưa xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, hoặc đã xây dựng xong nhưng còn vướng mắc về cơ chế chính sách. 

Đưa ra nhiều nhóm giải pháp, UBND TP cam kết sẽ chỉ đạo đẩy nhanh quy hoạch, khẩn trương thực hiện quyết liệt việc lập dự án, GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xét duyệt giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình đủ điều kiện được giao đất dịch vụ, đất ở theo quy định.

Cơ sở ô nhiễm nhường chỗ cho cây xanh

Đặc biệt quan tâm tới quỹ đất dôi dư sau khi TP di chuyển các cơ quan, bệnh viện, xí nghiệp ra khỏi nội thành, người dân đề nghị, không được bố trí xây chung cư, trung tâm thương mại mà nên dành quỹ đất đó xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng. Nhất trí quan điểm này, UBND TP trả lời, việc di chuyển bệnh viện, cơ sở y tế, các khu đất hiện tại ưu tiên sử dụng cho mục tiêu nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hoặc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của dân cư đô thị. TP đặt mục tiêu tái cơ cấu sử dụng đất 30-50% diện tích đất dành cho cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật (bãi đỗ xe) và hạ tầng xã hội (nhà trẻ). Diện tích đất còn lại dành cho công trình thương mại, dịch vụ và các tiện ích đô thị khác (không bố trí công trình nhà ở). 

Với các khu đất trụ sở bộ, ngành, TP cho biết quan điểm về sử dụng các khu đất sau khi di dời trụ sở về địa điểm mới sẽ được bố trí chức năng sử dụng đất phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (kèm theo Quy định quản lý), quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt. Đương nhiên, sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của khu vực, bố trí chức năng công cộng, tiện ích phục vụ đô thị.