Sẽ có nhiều quy định mới về cấp đăng ký, biển kiểm soát và giấy phép lái xe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đang xây dựng sẽ có nhiều quy định mới về cấp đăng ký, biển số xe, giấy phép lái xe...
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tại phiên họp UBTVQH

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tại phiên họp UBTVQH

Sáng nay, 16-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật này tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, công tác bảo đảm TTATGT được xác định là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân.

Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là một trong những biện pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/TW và Kết luận số 45-KL/TW về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT phù hợp với tình hình mới.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, việc ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là cần thiết.

Mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật này không gì khác ngoài bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGT đường bộ; đồng thời còn tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư phát triển kinh tế và nâng cao hình ảnh của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, Luật Giao thông đường bộ hiện nay (ban hành năm 2008) đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: bảo đảm TTATGT; đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ.

Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực.

Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra trên 334.000 vụ, làm chết trên 101.000 người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), làm bị thương trên 336.000 người, trong đó hàng chục nghìn người bị thương tật suốt đời.

Đáng chú ý, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu (chiếm trên 90% số vụ), trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật ATGT và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém…

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết thêm, trong quá trình xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Qua đó cho thấy các nước đều có luật chuyên biệt về TTATGT, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga, Đức, Australia...).

Đến thời điểm này, dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ gồm 08 chương, 72 điều. Trong đó, một số quy định đáng chú ý gồm:

Về phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về công tác đăng ký, cấp biển số xe theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, quản lý lái xe bằng cơ sở dữ liệu có liên thông với các bộ, ngành liên quan; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008…

Ngoài ra, dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT cũng quy định cụ thể về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; về thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ…

Trước đó tại phiên họp chiều qua, 15-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Cùng với dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo là 2 dự án Luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Qua thảo luận, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc tách Luật Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 02 luật như trên.