
Cách tính GDP mới sẽ mang lại số liệu chính xác giúp điều hành kinh tế, xã hội hiệu quả hơn
Sai lệch thực trạng dẫn đến giải pháp sai lệch
Hiện nay cách tính GDP ở Việt Nam mỗi nơi mỗi kiểu, không theo thông lệ quốc tế nên những con số tăng trưởng GDP các địa phương thời gian qua chủ yếu mang tính báo cáo thành tích. Trong khi tăng trưởng của cả nền kinh tế chỉ khoảng 5,25% thì tăng trưởng kinh tế của hầu hết các địa phương không thể là các con số từ 7, 8, 9 hay thậm chí là 15% như báo cáo. Vì vậy, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, đã đến lúc cần phải sớm có sự thay đổi trong tính toán này.
“Chúng ta đánh giá hoàn toàn sai lệch. Sai lệch thực trạng kinh tế. Thực trạng chỉ tăng trưởng 4, 5% nhưng họ tăng lên 15%. Nếu đánh giá thực trạng sai như thế sẽ dẫn tới việc chủ trương, chính sách, giải pháp hoàn toàn sai lệch”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá.
Nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố khi tham dự hội nghị lần này cũng thừa nhận sự sai lệch bấy lâu trong cách tính GDP của các địa phương cũng như ý thức được điều cần nhất và quan trọng nhất trong công tác điều hành kinh tế, xã hội là phải biết được chính xác vị thế và vị trí của địa phương mình đến đâu. “Với cách tính tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì tất cả các địa phương luôn luôn có mức tăng trưởng cao, thậm chí cao gấp đôi mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Theo cách tính mới sẽ giải quyết được vấn đề bất cập xảy ra trong thời gian vừa qua giữa cách tính tổng sản phẩm cũ và cách tính tổng sản phẩm hiện tại. Như vậy sẽ phản ánh đúng thực lực của nền kinh tế”, ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhận xét.
Số liệu phải xác thực hơn, tin cậy hơn
Trong thời gian tới, các số liệu về phát triển kinh tế, xã hội của địa phương sẽ được tổng hợp về Tổng cục Thống kê. Cơ quan này sẽ là đầu mối tính toán, báo cáo kết quả cuối cùng về GDP cho cả quốc gia. “Trung ương sẽ tính GDP cho các địa phương. Các địa phương sẽ phối hợp với Tổng cục Thống kê cung cấp số liệu đầu vào. Từ đó Tổng cục Thống kê sẽ tính cho từng địa phương. Cách tính mới sẽ phù hợp với thực tế hơn, có thể dùng làm số liệu so sánh hơn”, ông Nguyễn Văn Chung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói về cách tính GDP mới. “Cách tính mới sẽ được triển khai từ năm 2016. Trong 2 năm 2016, 2017 chúng tôi tạm gọi là thời kỳ “gối đầu”: Tổng cục Thống kê tính toán, địa phương tính toán. Tổng cục Thống kê sẽ thẩm định các số liệu của địa phương. Từ năm 2018, Tổng cục Thống kê sẽ tính và công bố, không yêu cầu địa phương tính nữa”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê làm rõ thêm lộ trình tính GDP mới.
Như vậy trong thời gian tới, cả nước sẽ chỉ còn 1 con số GDP chung cho cả quốc gia. Việc hoạch định đường hướng phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và cả quốc gia sẽ dựa trên con số này. Cơ sở xác thực hơn, tin cậy hơn thì đích đến của cả nền kinh tế nói chung và từng địa phương nói riêng sẽ chính xác và hiệu quả hơn.