SCIC dự tính mua lại các khoản đầu tư vào ngân hàng của các tập đoàn

ANTĐ - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết,  cơ quan này đang nghiên cứu mua lại những khoản vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm của 12 tập đoàn, tổng công ty. 

SCIC dự tính mua lại các khoản đầu tư vào ngân hàng của các tập đoàn ảnh 1
6 tháng đầu năm, SCIC đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch và đạt mức tăng mạnh 

Tìm cơ hội

Ông Lại Văn Đạo - Tổng giám đốc SCIC cho biết: “Năm 2014, SCIC sẽ tập trung đôn đốc, tiếp nhận bàn giao vốn nhà nước từ các Bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, đảm bảo bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, cũng như đẩy mạnh công tác bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo danh mục bán vốn đã được phê duyệt”.

Về hoạt động đầu tư, đại diện SCIC cho biết, Tổng công ty đã chủ động liên hệ với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đề nghị phối hợp cung cấp thông tin về thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm.

Cụ thể, những đơn vị đã gửi thông tin về SCIC đều là những doanh nghiệp Nhà nước lớn như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Than – Khoáng sản (Vinacomin), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)…

Trên cơ sở thông tin được cung cấp của 12 doanh nghiệp, Tổng công ty đang triển khai nghiên cứu cơ hội mua lại một số khoản đầu tư của các Tập đoàn, tổng công ty theo Nghị quyết 15 của Chính phủ.

Hiện SCIC đang làm việc trực tiếp với một số đơn vị như Vinalines, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam... và sẽ tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến với những tập đoàn, tổng công ty khác trên cơ sở đánh giá hiệu quả và theo tiến độ thoái vốn. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư SCIC đã thực hiện đạt hơn 12.000 tỷ đồng.

SCIC cũng cho biết, Tổng công ty triển khai các dự án trọng điểm trong kế hoạch năm 2014 như dự án Tháp tài chính, các dự án BOT hạ tầng giao thông, dự án hợp tác với bệnh viện Nhi TW, dự án nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư, các dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cảng biển…

Về hoạt động đầu tư tài chính, Tổng công ty đã đầu tư thành công trái phiếu doanh nghiệp của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), thu về đủ số tiền đầu tư 350 tỷ đồng, thu lãi gần 154 tỷ đồng.

Tính đến 30-6, danh mục doanh nghiệp của Tổng công ty bao gồm 335 doanh nghiệp, với giá trị vốn nhà nước trên 15.000 tỷ đồng, tổng số vốn điều lệ trên 65.000 tỷ đồng. Giá trị phần vốn nhà nước tại 349 doanh nghiệp nhận bàn giao đạt hơn 71.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận 6 tháng đạt 2.625 tỷ đồng

Về công tác bán vốn, báo cáo của SCIC cho thấy, cơ quan này đã bán vốn thành công tại 31 doanh nghiệp, trong đó bán hết 26 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại 5 doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Công tác bán vốn được  đánh giá là đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước, khi giá trị thu về là 863 tỷ đồng, tăng gần 47%.

Thống kê cho thấy, tính đến 30-6, danh mục doanh nghiệp của Tổng công ty bao gồm 335 doanh nghiệp với giá trị vốn Nhà nước trên 15.000 tỷ đồng, tổng số vốn điều lệ trên 65.000 tỷ đồng.

Theo đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn tới năm 2015, SCIC sẽ thoái vốn khỏi 376 doanh nghiệp. Tuy nhiên SCIC sẽ nắm giữ vốn dài hạn Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Viễn thông FPT, Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra, SCIC sẽ góp vốn chi phối tại hơn 20 công ty cổ phần khác như trong đó một số đơn vị như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền,…

Lãnh đạo SCIC cho biết thêm, về công tác chuyển giao vốn nhà nước, SCIC đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính, các Bộ, UBND của các tỉnh, thành phố rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao cho SCIC.

Đầu năm 2014, Tổng công ty đã nhận một số hồ sơ tiếp nhận bàn giao chuyển từ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông – Vận tải, TP. Hải Phòng, tỉnh Lâm Đồng …

Sau khi nhận được hồ sơ, Tổng công ty đã nhanh chóng tiến hành thẩm định, xác định các vướng mắc, tồn tại khi cổ phần hóa cần làm rõ trước khi tiếp nhận. Tuy nhiên, tiến độ chuyển giao vốn nhà nước từ Bộ ngành, địa phương về SCIC còn chậm.

Về kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm, SCIC đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch và đạt mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 3.355 tỷ đồng, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 57,4% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.817 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 55,1% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.625 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 54,8% so với kế hoạch.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính - Trần Văn Hiếu: “Thời gian tới, nhiệm vụ của SCIC sẽ nặng nề hơn. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, SCIC phải phát huy tính chủ động, tích cực hơn nữa để làm tốt công tác đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, gắn kết có hiệu quả các doanh nghiệp thành viên, tận dụng tốt cơ hội đầu tư kinh doanh nhằm phát huy có hiệu quả vai trò nhà đầu tư của Chính phủ”.