Sau phát ngôn "gây sốc" của diễn viên Kiều Thanh: Chung sống như vợ chồng với người đang có vợ là vi phạm pháp luật?

ANTD.VN -Mới đây, tại một buổi họp báo ra mắt phim mới, diễn viên Kiều Thanh đã thẳng thắn thừa nhận hiện tại cô là người thứ ba, được gia đình chồng yêu quý. Kiều Thanh cũng  cho biết, cô và người đàn ông đang chung sống cùng cô đã có con chung, vẫn chưa ly hôn với “vợ cả”.

Những thông tin  trên ngay lập tức đã khiến mạng xã hội dậy sóng. Bên cạnh số ít ý kiến thông cảm, chúc phúc cho cô diễn viên này thì vẫn còn không ít người cho rằng, việc một người phụ nữ chung sống như vợ chồng với một người đàn ông vẫn đang trong hôn thú với người đàn bà khác là vi phạm pháp luật.

Chung sống với người đang có vợ sẽ bị phạt tiền

Phân tích sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định, nghiêm cấm các hành vi như: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;  Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ…

Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC khẳng định, việc chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. 

Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng…

Chung sống như vợ chồng với người đang có vợ là phạm luật (ảnh minh họa)

Do đó, trong trường hợp một người đàn ông chưa ly hôn nhưng có hành vi chung sống với người phụ nữ khác, hai người lại có con chung đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, vi phạm điều cấm của pháp luật.

Về chế tài xử lý đối với hành vi này, theo Luật sư Lê Hồng Vân, Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, nêu rõ, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ…

Có thể xem xét xử lý hình sự?

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 182 BLHS 2015 sửa đổi về tội “Vi phạm chế độ một vợ, một chồng”.

Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-1 năm.

“Khách thể của tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng chính là chế độ một vợ, một chồng, là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình mà Luật HNGĐ quy định; bảo vệ chế độ một vợ, một chồng khỏi bị xâm hại" – Luật sư Hồng Vân nhận định.

Về mặt khách quan, người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có thể có một trong các hành vi: Đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn (kể cả hôn nhân thực tế được pháp luật thừa nhận) và chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân; Người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ.

Hậu quả của tội phạm này là hậu quả nghiêm trọng, nếu hậu quả gây ra chưa nghiêm trọng mà người phạm tội cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.

Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng là do cố ý, tức là nhận thức rõ việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng, thấy trước được hậu quả nghiêm trọng nhất định xảy ra hoặc có thể xảy ra, mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.