Sau khi mắng học viên là "con lợn", bà Tuyến phủ nhận mình là nhà giáo

ANTD.VN - Bị dư luận phản ứng dữ dội về hành vi mắng chửi học viên là “con lợn” trong khi đứng ở tư cách người dạy học, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến đã  giải thích là do tự mọi người gán cho cái danh cô giáo.

Dạy hàng chục học viên nhưng không phải là giáo viên?

Tối 7/5, lần đầu tiên chính thức xuất hiện trở lại kể từ khi bị đăng tải trên Facebook theo hình thức Livestream, bà Tuyến cũng phủ nhận mình là nhà giáo chính thống: “Tự các bạn gán cho tôi cái danh cô giáo chứ tôi chưa dám nhận mình dạy dỗ được ai đấy, bản thân tôi chỉ là người huấn luyện chia sẻ những kiến thức kỹ năng mà tôi có”.

Về phía các cơ quan quản lý, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng nhận định: “Đối với cơ sở đào tạo này, mấy ngày qua trên các phương tiện thông tin có nêu là giáo viên thì quan điểm của chúng tôi là đây chỉ là một người dạy học đối với những người có nhu cầu đến học ở đó mà thôi.

Đây là một cơ sở mà chưa được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép. Chính vì thế, người này chỉ là một người đứng ra tổ chức các hoạt động dạy học” – ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội nói.

Bản thân bà Tuyến cũng thừa nhận mình là giám đốc Công ty MST (kinh doanh trong nhiều lĩnh vực), không phải giám đốc trung tâm MST English và là cá nhân dạy học. Còn xét về bằng cấp của bà Tuyến thì tại thời điểm kiểm tra, bà Tuyến chỉ xuất trình được bản sao Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán; các văn bằng, chứng chỉ khác chưa cung cấp được.

Tuy nhiên, điều đáng nói, dù là có nhận hay không nhận là giáo viên thì bà Tuyến cũng đang dẫn dắt tổng số 30 học viên đang theo học tại 3 cơ sở MST.

MST English được yêu cầu dừng toàn bộ các lớp học, bồi hoàn học phí cho người học

Về quyền lợi của các học viên này, ông Kiều Văn Minh cho biết, đoàn công tác liên ngành đã yêu cầu công ty MST dừng toàn bộ các lớp học đang giảng dạy, đồng thời phải báo cáo giải trình về hồ sơ học viên và chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi và bồi hoàn học phí cho người học.

Cảnh báo hoạt động các trung tâm chui

Theo đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, khi theo học ở Công ty MST, học viên đã không tìm hiểu kỹ về pháp lý hoạt động của MST English. Về phía cấp quản lý, tháng 2/2018, Ban kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm đã lập biên bản yêu cầu MST English dừng hoạt động đào tạo khi không xuất trình được giấy chứng nhận hoạt động do Sở GD&ĐT cấp, yêu cầu tiến hành đăng ký hoạt động tại Sở GD&ĐT Hà Nội theo quy định, tuy nhiên đến nay đơn vị chưa chấp hành.

Về hướng xử lý, ông Minh khẳng định, Sở đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, cùng với nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng cao thì việc lựa chọn cá nhân hay cơ sở cung cấp dịch vụ này cũng là điều cần cân nhắc với người học. Đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.100 cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, trong đó, tỷ lệ trung tâm ngoại ngữ, tin học chiếm hơn 50%.

Cùng với sự việc không đáng có ở MST English, Sở GD-ĐT Hà Nội lên tiếng cảnh báo về việc nhiều cơ sở dạy tin học, ngoại ngữ bị phát hiện quảng bá một đằng, thực hiện một nẻo; không đúng cam kết với người học.

Thực tế, theo quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực hoạt động của các trung tâm giáo dục, đào tạo, điều kiện để được dạy ngoại ngữ khá khắt khe. Để được dạy học, cơ quan quản lý yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Chính vì những yêu cầu này, không ít cơ sở và người sáng lập không đủ điều kiện để đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý, dẫn tới tình trạng hoạt động chui, hoạt động không phép.

Theo ông Kiều Văn Minh, để nhận biết những đơn vị có đủ điều kiện hoạt động, tránh trường hợp theo học những nơi không đảm bảo chất lượng, hiện trên cổng thông tin điện tử của Sở đã công bố danh sách tất cả các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được Sở cấp phép với địa chỉ, cán bộ quản lý, chức năng đào tạo rõ ràng. Người học có thể vào tra cứu để tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi lựa chọn nơi theo học.