Sau Chat GPT ra mắt, chương trình hỗ trợ viết luận văn, tài liệu “nở rộ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các chương trình hỗ trợ viết luận văn, tổng hợp tài liệu sử dụng công nghệ xuất hiện dày đặc trên các mạng xã hội sau khi “cơn sốt” Chat GPT xuất hiện.
Các chuyên gia lo ngại Chat GPT vì dữ liệu nguồn mở, chất lượng dữ liệu có thể không chính xác

Các chuyên gia lo ngại Chat GPT vì dữ liệu nguồn mở, chất lượng dữ liệu có thể không chính xác

Lê Hoài Thương- sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết: “Lúc nào trên trang Facebook cá nhân của tôi cũng có bài giới thiệu các chương trình hỗ trợ viết luận văn, tổng hợp tài liệu học tập. Các chương trình này phần lớn quảng cáo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dễ sử dụng, độ chính xác cao”.

Theo người dùng này, các chương trình trên xuất hiện sau khi Hoài Thương tò mò về Chat GPT và tìm kiếm trên các nhóm kín. Ngay lập tức, Facebook đã gợi ý cho người dùng hàng loạt chương trình khác có tính năng tương tự.

Trong khi đó, Quang Nam (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay: “Thực tế các chương trình hỗ trợ viết luận văn, tổng hợp tài liệu… tương tự như Chat GPT xuất hiện từ lâu và có số lượng người dùng nhất định. Gần đây các chương trình này được tìm kiếm nhiều theo “trend” Chat GPT”.

Người dùng này cũng liệt kê hàng loạt chương trình có tính năng tương tự như Chat GPT: Jatpe, Rythr, ContentBot, Article Forge… Tìm hiểu có thể thấy, các chương trình này đều ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người dùng và “cha đẻ”là các hãng công nghệ nước ngoài. Mỗi chương trình đều có ưu- nhược điểm khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu của người dùng để sử dụng. Người dùng phải trả phí cho mỗi chương trình để thu được kết quả trong vòng vài phút với độ dài văn bản khác nhau.

“Chat GPT xuất hiện sau nên đương nhiên công nghệ sẽ thông minh hơn, giải quyết được nhiều vấn đề người dùng đòi hỏi hơn, nhưng không có chương trình nào là toàn diện. Người dùng lựa chọn bất cứ chương trình nào đều phải đọc lại thật kỹ, rà soát kiến thức cho đúng chứ không thể phó mặc cho công nghệ thông minh. Tôi tán thành quan điểm cho rằng Chat GPT trở thành “hiện tượng”là do truyền thông”- Quang Nam nói.

Chat GPT xuất hiện tại Việt Nam ngay lập tức đã tạo nên “cơn sốt” công nghệ. Nhiều Bộ, ngành, cơ quan đơn vị đã tổ chức hội thảo để đánh giá tác động của chương trình học máy này đến công tác chuyên môn. Trong khi đó, tại một số nước như Trung Quốc, chương trình này đã bị cấm.

Các chuyên gia công nghệ của Việt Nam cho rằng, Chat GPT có thể hỗ trợ nhất định về tổng hợp kiến thức cho người dùng nhưng đây là cũng chỉ là một trong hàng nghìn công nghệ đang được cả thế giới phát triển.

Vì vậy, với Chat GPT hay các chương trình có tính năng tương tự, người dùng cũng cần có “sức đề kháng” trước những thông tin sai lệch của nó. Đặc biệt, không nên để trẻ em sử dụng các công cụ này vì trẻ em chưa đủ nhận thức để đánh giá khối lượng kiến thức đúng- sai khổng lồ trên phần mềm, thậm chí còn tạo ra sự phụ thuộc, thụ động, thiếu sáng tạo cho trẻ.