Sau 20 ngày thực hiện Luật BHYT: Người bệnh ngần ngại khám vượt tuyến

ANTĐ - Bắt đầu từ 1-1-2015, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực với rất nhiều quy định mới. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) khẳng định, quyền lợi của người khám chữa bệnh BHYT sẽ được nâng lên, song qua gần 20 ngày triển khai, thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề.

Sau 20 ngày thực hiện Luật BHYT: Người bệnh ngần ngại khám vượt tuyến ảnh 1Lượng bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến đã giảm 

Khám trái tuyến giảm

Chiều 19-1, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, gần 20 ngày qua, cơ quan này đã nhận được nhiều phản ánh từ phía người bệnh cũng như một số tỉnh, thành phố về những vướng mắc, khó khăn trong triển khai Luật. Cụ thể, đã nảy sinh nhiều vướng mắc liên quan đến mã đối tượng, thủ tục khám chữa bệnh BHYT. Một số bệnh viện khu vực đón tiếp bệnh nhân quá đông, gây bức xúc cho người bệnh. Thẻ BHYT vẫn theo mã cũ nên việc chuyển mã phải thực hiện thủ công…

Đặc biệt, tình trạng khám chữa bệnh trái tuyến tại các bệnh viện tuyến Trung ương đã giảm rõ rệt do không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT ngoại trú. Rất nhiều bệnh nhân đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến đã ngỡ ngàng khi không được BHYT thanh toán (30% tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh) như trước đây. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách y tế cho biết, có tình trạng trên do người bệnh chưa cập nhật quy định mới và do bệnh viện giải thích chưa kịp thời. Theo ông Phạm Lương Sơn, có quy định mới trên vì số tiền chi cho khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến thời gian qua rất lớn. Tình trạng này còn gây quá tải trầm trọng ở các cơ sở y tế tuyến trên, trong khi 70% bệnh nhân tự ý vượt tuyến có thể điều trị tại tuyến dưới. 

Ông Phạm Lương Sơn đánh giá, lượng bệnh nhân khám chữa bệnh trái tuyến giảm là một tín hiệu tích cực. 

Quyền lợi người bệnh có bị giảm đi?

Trước những ý kiến về các quy định siết chặt, giảm quyền lợi của nhiều đối tượng bệnh nhân như không thanh toán cho người khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, giảm thanh toán một số loại thuốc đắt tiền chữa ung thư… ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế thừa nhận, thực tế, quyền lợi của người khám chữa bệnh trái tuyến ngoại trú có giảm. Song nhìn tổng thể, quyền lợi của người có BHYT nói chung được tăng lên, cả về mức hưởng và phạm vi đối tượng được hưởng. Với các trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, nếu điều trị nội trú vẫn được BHYT thanh toán và mức thanh toán còn cao hơn mức cũ.

Về quy định giảm thanh toán với 9 loại thuốc (gồm 4 loại chữa ung thư, 5 loại chữa các bệnh viêm gan C, viêm khớp, giải độc, điều trị thiếu hụt hormon tăng trưởng) từ mức 100% trước đây xuống 50%, ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, thực tiễn triển khai tại bệnh viện không gặp vướng mắc gì và người bệnh khi được giải thích đều nhất trí cao. Hơn nữa, quyền lợi của người bệnh không bị ảnh hưởng nhiều bởi hiện có đến 59 loại thuốc điều trị ung thư được BHYT thanh toán 100%. 

Ông Phạm Lương Sơn cho biết thêm, ngoài một số đối tượng nhỏ bị ảnh hưởng nói trên thì trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung còn có khá nhiều chính sách thay đổi theo hướng có lợi hơn cho người bệnh như: không còn phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh; người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh nội trú khi đi khám chữa bệnh, kể cả vượt tuyến, trái tuyến… 

Thực tế, năm 2014, quỹ BHYT đã chi ra 45.500 tỷ đồng cho công tác khám chữa bệnh trên cả nước, con số này dự kiến sẽ tăng trong năm nay.

Trên 57.000 thẻ BHYT bị in nhầm thông tin

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, vừa qua, đã xảy ra vụ việc in nhầm thông tin trên thẻ BHYT cho các đối tượng học sinh, sinh viên với số lượng lớn ở tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể, toàn tỉnh này có 184.000 thẻ BHYT học sinh, sinh viên cần cấp và từ đầu năm 2015 đến nay, tỉnh đã in cấp 153.897 thẻ. Trong số này, có 57.000 thẻ BHYT bị in sai ngày, tháng, năm sinh trên thẻ. Về nguyên nhân, ông Thảo cho biết, có trên 41.000 trường hợp là do nhà trường lập danh sách học sinh chuyển sang không có ngày, tháng, năm sinh nên phần mềm in thẻ tự động nhập ngày, tháng, năm, sinh trên thẻ là 1-1-2015. Còn lại gần 16.000 thẻ, các nhà trường lập danh sách có ghi đủ ngày, tháng, năm sinh nhưng cơ quan BHXH in sai. BHXH Việt Nam đã chỉ đạo khắc phục, rút kinh nghiệm ngay vụ việc này và yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho những trường hợp bị in nhầm thẻ.