“Sát thủ” xa lộ

ANTĐ - Tai nạn giao thông được xem là một “sát thủ” trên xa lộ khi mà số người thiệt mạng hàng năm trên toàn thế giới nhiều hơn cả số người thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh và xung đột.

Hình ảnh đáng sợ sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Thổ Nhĩ Kỳ 

khiến hơn 10 người thiệt mạng

Trong thông điệp gửi tất cả các quốc gia thành viên nhân Ngày toàn thế giới tưởng nhớ các nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông đường bộ (18-11), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế làm hết sức mình để giảm tối đa số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Theo người đứng đầu tổ chức này, bên cạnh việc gây ra số thương vong quá lớn, tai nạn giao thông còn để lại những hệ luỵ khôn lường về kinh tế và xã hội.

Lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ được đưa ra trong bối cảnh số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông trên thế giới vẫn đang gia tăng một cách đáng lo ngại, bất chấp các nỗ lực và biện pháp của cộng đồng quốc tế cũng như từng quốc gia. Chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên thế giới đã lên tới gần 1,2 triệu người, tức là bằng mức trung bình các năm trước.

Ngoài số người thiệt mạng, tai nạn giao thông còn làm cho khoảng 50 triệu người bị thương tật đeo đẳng suốt đời. Điều đáng lo ngại hơn là tai nạn giao thông đường bộ đã gây ra cái chết nhiều nhất cho thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 15-25, với trung bình khoảng 400 nghìn thanh thiếu niên tử vong mỗi năm khi tham gia giao thông, nghĩa là mỗi ngày các con đường trên toàn thế giới đã cướp đi mạng sống của hơn 1 nghìn bạn trẻ trong độ tuổi  15-25. 

Không khó để chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông đường bộ, từ số phương tiện gia tăng chóng mặt trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông không thể phát triển theo kịp, cho đến luật pháp chưa đủ sức răn đe... Song nguyên nhân quan trọng hàng đầu được cả thế giới nhìn nhận là ý thức của những người tham gia giao thông đường bộ.

Chính vì vậy, khi nhấn mạnh tới mục tiêu giảm ít nhất 5 triệu người chết vì tai nạn giao thông trong Chương trình hành động 10 năm (2011-2020) đã được LHQ thông qua, Tổng thư ký Ban Ki-moon bên cạnh việc thúc giục nâng cấp đường bộ, lắp thêm các biển báo, lập thêm trạm cấp cứu... đã nhấn mạnh tới việc tuyên truyền cũng như chấp hành luật giao thông. Ông Ban Ki-moon đánh giá cao việc nhiều quốc gia thành viên LHQ thực hiện tốt chấp hành luật giao thông như Chile có quy định bắt buộc mọi người ngồi trên xe, bất kể xe gì cũng phải thắt dây an toàn, hay Trung Quốc, New Zealand, Brazil... tuyệt đối cấm uống nước có cồn khi tham gia giao thông kèm theo hình phạt rất nặng nếu vi phạm. 

Trong thông điệp nhân Ngày toàn thế giới tưởng nhớ các nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông đường bộ, Tổng thư ký LHQ cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc tuyên truyền, vận động mọi người phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đường bộ. Theo ông Ban Ki-moon, việc triển khai quyết liệt biện pháp này đã tăng số người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ở Việt Nam lên gấp ba lần, từ 30% lên 90%, và đã mang lại hiệu quả rõ ràng, giảm đáng kể các trường hợp đi xe máy bị thương vong. 

Tuy nhiên, cuộc chiến chống “sát thủ xa lộ” vẫn hết sức khó khăn trên toàn thế giới, đòi hỏi phải có những nỗ lực bền bỉ song không kém phần quyết liệt. Nếu không thực hiện được mục tiêu chương trình hành động 10 năm, tai nạn giao thông sẽ là nguyên nhân gây ra tử vong nhiều thứ 5 trên thế giới vào năm 2030 sau các bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh đường hô hấp và phổi - theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).