Sắp điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo yêu cầu ở bệnh viện công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Y tế vừa đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Đây là bước đi nhằm thống nhất giá dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện công (hiện đang thu với giá khác nhau).

Mức tối đa 3 triệu/ngày/giường bệnh

Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập đang được Bộ Y tế lấy ý kiến. Nếu được thông qua, mức giá này sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2023.

Theo dự thảo, Bộ Y tế đề xuất dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế... tối đa 300.000 đồng/lần khám. Các cơ sở y tế khác giá tối đa 200.000 đồng/lần khám. Trường hợp mời các chuyên gia trong và ngoài nước khám, tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện tuyến cuối rất lớn

Nhu cầu sử dụng dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện tuyến cuối rất lớn

Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, mỗi phòng 1 giường). Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có 2 giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường. Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá giường nằm tối đa 2 triệu đồng/giường. Các loại phòng có 2, 3, 4 giường giá lần lượt là 1,7 triệu, 1,2 triệu, 900.000 đồng. Ở các tỉnh còn lại, giá dao động từ 600.000 - 1,5 triệu đồng/giường tùy loại. Giá giường điều trị ban ngày do bệnh viện quyết định nhưng không quá 50% giá giường điều trị nội trú.

Hiện nay, do chưa có khung giá từ Bộ Y tế nên giá giường dịch vụ ở các cơ sở y tế công lập được thu từ vài trăm đến vài triệu đồng/ngày điều trị, trong đó cao nhất là 2,5 triệu đồng/ngày/giường. Tương tự, giá khám theo yêu cầu ở các bệnh viện công từ 200.000 - 600.000 đồng/lượt được áp dụng với hình thức khám giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sỹ và bác sĩ.

Cũng theo dự thảo này, với cơ sở khám chữa bệnh có cung ứng dịch vụ theo yêu cầu, cơ sở y tế được quyết định và thu theo mức giá dịch vụ theo yêu cầu khi bảo đảm một số chỉ tiêu chất lượng. Trong đó, bảo đảm mỗi bác sĩ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ. Đặc biệt, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập phải xây dựng quy chế để các chuyên gia, thầy thuốc giỏi phải dành tối thiểu 70% thời gian để khám, chữa các ca bệnh khó cho người có thẻ BHYT, người không có BHYT nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới. “Người bệnh có BHYT khi sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu được thanh toán chi phí theo quy định của pháp luật về BHYT. Phần chênh lệch do người bệnh tự chi trả cho cơ sở khám, chữa bệnh” - dự thảo quy định nêu.

Dịch vụ giường bệnh theo yêu cầu sẽ được quy định với nhiều mức giá khác nhau

Dịch vụ giường bệnh theo yêu cầu sẽ được quy định với nhiều mức giá khác nhau

Không để tình trạng mỗi nơi một giá

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Y tế xây dựng Thông tư về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Trước đó, năm 2019, Bộ Y tế đã đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Tại thời điểm đó, Bộ Y tế đề xuất giá giường bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 tối đa 4 triệu đồng/ngày, giá khám cao nhất 500.000 đồng/lần; các cơ sở y tế khác giá không quá 400.000 đồng/lần. Tại dự thảo thông tư mới lần này, mức giá tối đa đã giảm so với đề xuất trước đó.

Theo một chuyên gia y tế, việc xây dựng dự thảo nhằm thống nhất giá và các điều kiện khám dịch vụ cho các bệnh viện công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà bệnh viện quy định. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một bệnh viện hạng 1 ở Hà Nội cho biết, mức giá được Bộ Y tế đưa ra là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thời gian qua, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ các bệnh viện đã đầu tư sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất. Nhiều phòng bệnh được thiết kế với không gian như khách sạn hạng sang, khi sử dụng người bệnh được cung cấp vật dụng thiết yếu, cung cấp suất ăn hàng ngày cho bệnh nhân và người nhà, có nhân viên y tế chăm sóc 24/24h… do đó việc cho phép thu phí ở mức tối đa 3 triệu đồng/ngày cũng là phù hợp.

Trong khi đó, đại diện một bệnh viện ở Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần đảm bảo chi trả đúng và đủ đối với giá dịch vụ y tế được quỹ BHYT chi trả, bởi phần lớn người dân sẽ sử dụng dịch vụ này. Tuy nhiên, với giá khám và giường theo yêu cầu nên để bệnh viện quyết định theo tình hình thực tế. “Thực tế người bệnh chấp nhận trả tiền để được các chuyên gia giỏi, giáo sư, phó giáo sư khám với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng/lần. Việc đăng ký khám dịch vụ yêu cầu không chỉ là được lựa chọn các chuyên gia giàu kinh nghiệm mà được hỗ trợ đặt khám trực tuyến trước khi đi khám, được giảm thời gian chờ đợi, không phải xếp hàng làm thủ tục khám và ưu tiên khám trước; được hỗ trợ thực hiện chụp chiếu, xét nghiệm, cận lâm sàng” - lãnh đạo bệnh viện này giải thích.

Cần quan tâm đến các dịch vụ cơ bản

Cùng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính trên cơ sở 4/7 yếu tố cấu thành giá. Mức giá này đã lỗi thời, thu không đủ bù chi nên cần điều chỉnh giá các dịch vụ kỹ thuật song hành cùng với quy định giá khám và giường bệnh yêu cầu. Theo ông Dương Đức Hùng, cần làm rõ dịch vụ yêu cầu là gì? Không nên để bệnh nhân phải trả thêm với các dịch vụ đáng ra họ được hưởng. Với bệnh viện công, cần quan tâm đến các dịch vụ cơ bản.

Ngoài ra, khi thực hiện khám chữa bệnh theo yêu cầu thì cần lưu ý không nên để tình trạng dồn bệnh nhân BHYT nằm ghép để họ phải lựa chọn nằm giường theo yêu cầu. “Muốn có các điều kiện cơ bản đảm bảo chất lượng thì quỹ BHYT phải thanh toán đủ chi phí cho các dịch vụ cơ bản đó. Nếu chỉ mua BHYT với mức thấp thì không thể có được các kỹ thuật cao như mong muốn. Do đó, nên có các gói BHYT phù hợp với các mức phí khác nhau” - ông Dương Đức Hùng phân tích.

Nêu ý kiến về dự thảo mới, giám đốc một bệnh viện công tại Hà Nội cho rằng, khi bệnh viện có nguồn thu từ cung cấp dịch vụ theo yêu cầu thì sẽ có nguồn bù đắp cho trang thiết bị cho hoạt động chung. Khi đó, chính bệnh nhân thu nhập thấp được hưởng lợi. Bệnh viện thu tiền dịch vụ theo yêu cầu nhưng không phải được lấy tiền đó chia nhau mà phải chi tiêu theo quy định của Nhà nước, phải bổ sung vào các quỹ phát triển, phúc lợi. Khi đó, bệnh viện có nguồn để đảm bảo cơ bản đời sống cho nhân viên y tế, họ sẽ yên tâm làm việc, phục vụ người bệnh nghèo, người thu nhập thấp. Bệnh viện công nếu đủ cơ sở vật chất, thiết bị sẽ làm được rất nhiều các kỹ thuật cao, ca bệnh khó vì bệnh viện công đầu ngành tập trung các chuyên gia giỏi.

“Các chuyên gia giỏi ở bệnh viện công còn phục vụ người bệnh nghèo, người có thu nhập trung bình thấp bị bệnh nặng, đó chính là ưu việt của bệnh viện công. Trong khi đó, nếu người nghèo khám ở bệnh viện tư, để được chuyên gia giỏi khám, họ sẽ phải trả số tiền lớn, đặc biệt khi ốm nặng, điều trị nằm viện dài ngày” - vị giám đốc chia sẻ.