Sàng lọc trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáng 11-8, theo công bố của Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 tử vong tại Việt Nam đã lên tới 4.145 trường hợp, trong đó riêng TP.HCM có tới 3.321 trường hợp. Một con số vô cùng đau xót và đáng buồn hơn là sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Cũng từ hôm qua, cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, Hà Nội bắt đầu triển khai đợt lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay để sàng lọc diện rộng, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Nhiều “vùng xanh” không có ca bệnh đang được mở rộng tới cấp phường. Thủ đô đặt quyết tâm cao nhất để bảo vệ thật chắc và mở rộng dần các “vùng xanh”; có biện pháp quyết liệt, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ” trong những ngày tới. Thành phố đang làm tất cả mọi việc với tốc độ nhanh nhất để hướng tới mục tiêu “phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 25-8-2021” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hà Nội những ngày qua, đa số người dân chấp hành nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP. Dù vậy, đây đó vẫn có nhiều trường hợp vi phạm như lén lút “vượt rào”, chui ra khỏi “vùng xanh” để làm việc riêng; không đeo khẩu trang nơi công cộng; không chấp hành tạm dừng kinh doanh; ra khỏi nhà khi không cần thiết... Con số này có ngày lên tới hàng nghìn trường hợp chứ không hề ít. Cùng đó, sau khi thành phố nới việc kiểm soát gắt gao trong cấp và sử dụng Giấy đi đường, lượng người đổ ra đường mỗi sáng lại đông hơn trước…

Để đạt được hiệu quả phòng dịch trong giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt: “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong” và “xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền”. Trong giai đoạn đặc biệt quan trọng hiện nay, lực lượng chức năng vẫn phải căng mình từng giờ, từng phút ở các chốt kiểm soát để đảm bảo mọi công dân thực hiện đúng quy định về giãn cách xã hội; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, chỉ tập trung vào các chốt kiểm soát dường như mới là phần “ngọn”, chưa kiểm soát được từ “gốc” - căn nguyên khiến người lao động buộc phải ra đường. Thế nên, việc cần làm mạnh lúc này là kiểm tra ngay các cơ quan, đơn vị xem có thực hiện đúng yêu cầu về giãn cách xã hội của thành phố hay không? Đơn vị đã bố trí cán bộ, công chức làm việc tại nhà và đảm bảo “chỉ những trường hợp thật cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu…” mới được tới công sở hay chưa? Việc cấp số lượng Giấy đi đường có đúng quy định hay cấp phát bừa bãi, mỗi người một tập giấy “khống”, chưa điền tên như báo chí đã phát hiện?

Có vẻ như chúng ta đang xoáy nhiều hơn vào trách nhiệm phòng dịch của mỗi cá nhân và chưa siết lại thật chặt, thật nghiêm khắc trách nhiệm của các tập thể, chủ sử dụng lao động? Tới nay, thành phố chưa chỉ đích danh trường hợp cơ quan, đơn vị nào lơ là, vi phạm trong công tác phòng dịch Covid-19 mà thường chỉ nêu chung chung là “có lúc, có nơi”…

Không thể có ngoại lệ hay nương nhẹ nào lúc này, bởi chúng ta chỉ còn rất ít ngày trong đợt giãn cách xã hội thứ hai và mục tiêu chống dịch, đảm bảo tính mạng, sức khỏe của nhân dân được đặt lên trên hết, chấp nhận những thiệt hại về kinh tế. Cần buộc thật chắc trách nhiệm của người sử dụng lao động; “làm nóng” ngay công tác kiểm tra, kiểm soát phòng dịch, thực hiện giãn cách xã hội tại các cơ quan, đơn vị; công khai trên truyền thông những cái tên vi phạm (nếu có) và xử phạt thật nặng để làm gương…

Nếu tất cả chấp hành nghiêm “chỉ những trường hợp thật cần thiết” mới ra đường, chắc chắn số trường hợp vi phạm sẽ giảm mạnh, tỷ lệ thuận với nguy cơ lây lan dịch bệnh và Thủ đô Hà Nội sẽ dần nhìn rõ hơn trạng thái “bình thường mới” sau ngày 25-8-2021.