Sản xuất, kinh doanh phục hồi, tín dụng tăng mạnh, áp lực lãi suất lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong các tháng đầu năm cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh đang phục hồi, nhu cầu vốn dần tăng. Áp lực lên lãi suất huy động, lãi suất cho vay vì vậy cũng đang tăng dần.

Tăng trưởng tín dụng “bứt tốc”

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/4, tín dụng đã tăng 6,75% so với cuối năm 2021, tương đương với mức tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, con số này cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế. Tốc độ tín dụng cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu khả quan, chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi tích cực.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…

Trong đó, riêng tín dụng vào bất động sản không có biến động nhiều kể từ đầu năm nay tới nay, chiếm gần 20% trong tổng dư nợ, con số này không cao mà thấp hơn so với giai đoạn trước.

Áp lực thanh khoản phần nào đã xuất hiện tại hệ thống ngân hàng

Áp lực thanh khoản phần nào đã xuất hiện tại hệ thống ngân hàng

Đánh ra về con số tăng trưởng tín dụng tiếp tục mở rộng, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy dòng vốn tín dụng thực sự chảy vào hoạt động sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Theo đó, các chuyên gia SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2022 có thể đạt 14-15%.

Nhấp nhổm lo lãi suất tăng

Tín dụng cải thiện kéo theo mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm dân cư và doanh nghiệp tăng theo. Trong những tuần gần đây, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở cả 2 khu vực, với mức tăng 10-20 điểm cơ bản. Theo quan sát, trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, đã có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động, kèm theo đó là nhiều chương trình khuyến mại để hút tiền gửi.

Trên thị trường tiền tệ, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tuần qua đã bật tăng. Ngân hàng Nhà nước đã bơm 4,3 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm, chủ yếu vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 4.

SSI Research cho rằng thanh khoản tiền đồng trong hệ thống đã phần nào xuất hiện áp lực trong bối cảnh nhu cầu tiền mặt tăng mạnh dịp lễ, tín dụng tăng trưởng tốt và động thái bán USD kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đã bật tăng mạnh trong cuối tuần trước và kết tuần, kỳ hạn qua đêm ở mức 2,3% (tăng 40 điểm cơ bản so với tuần trước) và kỳ hạn 1 tuần 2,6% (tăng 60 điểm cơ bản).

Với những diễn biến này, cùng với việc các ngân hàng trung ương trên thế giới ngày càng thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại.

Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm của cơ quan quản lý là tiếp tục ổn định lãi suất. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Cơ quan quản lý cho biết mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cuối tháng 2/2022 tăng nhẹ so với tháng 12/2021 nhưng không ảnh hưởng tới lãi suất của toàn hệ thống. Lãi suất huy động tăng khoảng 0,08%/năm so với tháng 12/2021 và lãi suất cho vay tăng khoảng 0,13%/năm so với tháng 12/2021.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.