Săn tàu ngầm tự chế chở ma túy: Cuộc chiến khốc liệt

(ANTĐ) - Tình trạng sử dụng tàu ngầm tự chế để buôn bán ma túy ngày càng gia tăng tiềm ẩn mối đe dọa nguy hiểm cho an ninh khu vực châu Mỹ. Điều này cũng đẩy nhà chức trách Mỹ vào cuộc đua tranh khốc liệt về pháp lý và công nghệ nhằm dò tìm, ngăn chặn phương tiện này.

Săn tàu ngầm tự chế chở ma túy: Cuộc chiến khốc liệt

(ANTĐ) - Tình trạng sử dụng tàu ngầm tự chế để buôn bán ma túy ngày càng gia tăng tiềm ẩn mối đe dọa nguy hiểm cho an ninh khu vực châu Mỹ. Điều này cũng đẩy nhà chức trách Mỹ vào cuộc đua tranh khốc liệt về pháp lý và công nghệ nhằm dò tìm, ngăn chặn phương tiện này.

>>>Kỳ 1: “Quái vật” giữa đại dương

Lực lượng chống ma túy “giăng lưới” bắt một tàu ngầm chở ma túy
Lực lượng chống ma túy “giăng lưới” bắt một tàu ngầm chở ma túy

Những chuyến săn “hụt”

Về mặt công nghệ, tất cả tàu ngầm chở ma túy mà cảnh sát quốc tế thu giữ được đều không thể tránh được công nghệ radar và tầm nhiệt của các loại máy bay chống buôn lậu ma túy. Hệ thống radar trên không và mặt đất của lực lượng chống ma túy Mỹ được coi là công cụ “săn lùng” tàu ngầm hiệu quả nhất từ trước đến nay, trong đó có cả những chiếc máy bay P3 Orion tầm xa ví như tai mắt trên bầu trời. Khi radar phát hiện con tàu tình nghi, thuyền máy của lực lượng tuần duyên Mỹ nhanh chóng triển khai đến hiện trường.

Tháng 11-2006, lực lượng cảnh sát bảo vệ bờ biển Mỹ bắt được chiếc tàu bán lặn chở ma túy đầu tiên. Nếu như năm 2006 lực lượng chống ma túy Mỹ mới chỉ phát hiện 3 chiếc tàu bán lặn chở ma túy thì sang năm 2007, con số này là 40 và tăng vọt lên 120 chiếc trong năm 2008. Tuy vậy, định vị được tàu ngầm thì dễ nhưng bắt được quả tang lại rất khó khăn. Trong năm 2008, tại Mỹ, chỉ có 8 chiếc tàu ngầm bị phát hiện, một chiếc bị bắt tại trận, số còn lại đều bị chìm.

“Chúng quả thực là những con tàu rất tinh vi”, Thiếu tướng Hải quân Steve Branham - Chỉ huy trưởng lực lượng tuần duyên số 7 của Miami cho biết. Bao quát một vùng biển rộng hơn 1,8 triệu dặm vuông, đơn vị của Steve Branham từng phát hiện những con tàu này ở cả vùng biển Caribbean lẫn ngoài khơi bờ biển Mexico thuộc Đông Thái Bình Dương, nhưng rất khó để thu thập chứng cứ. Tàu ngầm tự chế có thể không bổ nhào như một tàu ngầm thông thường, nhưng chúng được trang bị van để khi thấy động, người điều khiển lập tức mở van, nước tràn lên tàu, toàn bộ tàu và ma túy nhanh chóng chìm xuống độ sâu nhất định. Thủy thủ đoàn kịp nhảy ra khỏi boong. Khi đó, nhà chức trách dù có bắt được những kẻ vận chuyển ma túy nhưng buộc phải thả ra và không thể truy tố vì không có bằng chứng, ông Branham phân tích.   

Nhiều kẽ hở pháp lý

Khó khăn nhất với lực lượng chống ma túy Mỹ chính là đối thủ có rất nhiều tiền, hoạt động dưới một tổ chức chặt chẽ và vô cùng liều lĩnh. Điều khiển tàu thường chỉ 2-3 người nhưng kéo theo nó là các chân rết chuyên cung cấp thực phẩm và nước uống từ các tàu nhỏ hộ tống, rồi các bộ phận tẩu tán hàng nhỏ lẻ tại những địa điểm bí mật trên hành trình. Mặc dù những chiếc tàu bán lặn này trị giá 1-2 triệu USD nhưng chúng chỉ được coi là hàng dùng một lần, là tàu vận chuyển một chiều: Tất cả hàng hóa sau khi cập bến, tàu sẽ bị bỏ ngay trên biển. Một phép tính đơn giản để lý giải cho điều này, 1kg cocaine có thể bán với giá hàng chục nghìn USD trên phố, trong khi đó, mỗi chiếc tàu ngầm có thể chuyên chở tới 10.000kg, tức là giá trị của chuyến hàng lên đến hàng chục triệu USD nên bọn buôn lậu sẵn sàng phi tang.

Để truy nguồn và tìm ra ai, tổ chức nào đứng đằng sau các thương vụ này là trở ngại lớn. Nhiều nhà phân tích quả quyết rằng các tập đoàn buôn lậu ma túy Colombia hiển nhiên phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ người nước ngoài để có thể chế tạo tàu ngầm. Một số tàu bán lặn có thiết kế giống như của hải quân Nga. Suốt thời Chiến tranh lạnh, nước Nga lao vào chạy đua thiết kế tàu ngầm nhưng sau đó, các nhà máy sản xuất tàu ngầm đóng cửa, những kỹ thuật viên về tàu ngầm quân sự dường như bị quên lãng. Hoàn toàn có khả năng trùm mafia Nga bắt tay với những tập đoàn ma túy lớn của Colombia.

Các nhà lập pháp của Quốc hội Mỹ cũng đang cân nhắc để bịt kín lỗ hổng về pháp lý khi chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến những chiếc tàu bán lặn này. Vì chúng không hề treo cờ của nước xuất xứ nên Cảnh sát biển Mỹ đang đề nghị những kẻ điều khiển tàu bán lặn không treo cờ có thể bị phạt tới 20 năm tù. Ngay ở Colombia, sử dụng tàu ngầm trong lãnh hải Colombia mà không có giấy phép chế tạo cũng như giấy phép hoạt động thì phạm luật nhưng không có điều luật nào ngăn cấm việc chế tàu ngầm.

Mối đe dọa nổi lên từ châu Mỹ

Gần như tất cả nguồn cocaine thế giới đều được tinh chế từ lá côca trồng ở Colombia, Peru và Bolivia. Bất chấp nỗ lực của lực lượng chống ma túy quốc tế, bọn buôn lậu vẫn tung ra thị trường toàn cầu hàng trăm tấn cocaine qua đường biển với nguồn thu 250 tỷ USD mỗi năm. Ma túy một khi được đưa vào đất liền đồng nghĩa với việc hàng nghìn người chết, các vụ phạm tội do liên quan đến ma túy cũng cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người Mỹ mỗi năm và con số này còn cao hơn nếu chúng được đưa đi xa hơn. Đây là mối đe dọa “hiển hiện và rõ ràng” đối với mạng sống của con người, tác động xấu đến kinh tế, xã hội. Đáng lo ngại hơn, đó còn là mối liên hệ chặt chẽ giữa ma túy, tội phạm và chủ nghĩa khủng bố, tạo nên mối đe dọa mới về an ninh trong khu vực.

“Khi các tập đoàn ma túy đầu tư công nghệ, chúng tôi cũng cần đi trước chúng một bước, vì thế phải tự cải tiến cho chính mình”, Đô đốc James Stavridis, người đứng đầu Bộ Chỉ huy miền Nam nước Mỹ đóng trụ sở tại Miami, chuyên phối hợp với đối tác nước ngoài ngăn chặn các lô hàng ma túy lớn tại khu vực quá cảnh giữa các sườn núi Andes của Nam Mỹ và Hoa Kỳ, cho biết. Với mối đe dọa mới này, nhà chức trách Mỹ đã xác định cần “chạy đua” để nâng cấp hệ thống cảm biến, giám sát trên phạm vi rộng, thiết bị âm học và công cụ do thám tốt hơn cũng như sự phối hợp cực kỳ chính xác của các lực lượng chuyên trách. Bọn tội phạm không bao giờ chờ để người thực thi luật pháp đến bắt giữ và cuộc chiến khốc liệt này sẽ còn tiếp diễn.

Hải Yến (Tổng hợp)

Điều tôi lo lắng về SPSS là giờ những chiếc tàu bán lặn này có thể mang 10 tấn cocaine nhưng biết đâu một ngày những kẻ khủng bố có thể tuồn người và vũ khí hủy diệt vào nước Mỹ qua phương tiện này”.

Đô đốc Hải quân James Stavridis -
Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy miền Nam nước Mỹ

“Giờ đây quái vật hồ Loch Ness đã được phát hiện, tìm kiếm tàu ngầm như trò chơi mèo đuổi chuột lâu dài khi mà giới hữu trách phải lùng sục trong rừng và căng ra hàng nghìn dặm trên đại dương mỗi tuần để ngăn chặn những kẻ buôn lậu xâm nhập vào thị trường Mỹ. Đây là biên giới cuối cùng của tội phạm buôn lậu ma túy trên biển và cảnh sát giỏi không bao giờ đánh giá thấp đối thủ”.

Ông Jay Berman - Giám đốc khu vực Andean của Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA )