Sẵn sàng dừng tàu, cắt toa xe để bắt hàng lậu

ANTĐ - Trong 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan đã kiểm tra, xử lý trên 4.800 vụ buôn lậu, thu nộp ngân sách gần 84 tỷ đồng. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là nhóm hàng phụ liệu phục vụ cho sản xuất; thực phẩm chế biến và hàng hóa phục vụ sinh hoạt như rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng…

Nhiều vụ việc có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại bị phát hiện thời gian qua liên quan đến vận tải đường sắt

Kết quả khả quan, nhưng...

Đấu tranh, phòng chống hoạt động buôn lậu trên tuyến đường sắt là chủ đề chính của buổi làm việc giữa Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) thành phố Hà Nội với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tổ chức hôm qua 22-6.

Theo các đơn vị chức năng, thời gian qua, đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hàng hóa nhập lậu không tập trung mà phân tán, xé lẻ tại các địa bàn giáp ranh Hà Nội và được vận chuyển vào nội thành trên cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không..., hoặc tập kết tại các khu vực xa trung tâm rồi vận chuyển vào nội đô tiêu thụ khiến công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn.

Dẫn đầu trong số hơn 4.800 vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị phát hiện, xử lý là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, với gần 700 vụ. Số vụ buôn lậu thuốc lá cũng khá lớn với 122 vụ, số tiền xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng, hơn 35.000 bao thuốc lá điếu bị tịch thu tiêu hủy. Các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố cũng đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc quy mô lớn liên quan đến phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. 

Về công tác phòng chống buôn lậu 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội nhận định, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đánh trúng, đánh đúng các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…  

Công tác phối hợp với các lực lượng chức năng khác luôn được duy trì. Đặc biệt, các Đội QLTT thường xuyên nhận được sự phối hợp, tạo điều kiện của lãnh đạo, cán bộ nhân viên ngành đường sắt trong quá trình kiểm tra, xử lý hàng lậu, gian lận thương mại.

Tuy vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đơn vị QLTT còn gặp một số khó khăn như tại ga Đông Anh thường có các chuyến tàu từ biên giới về vận chuyển hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng thời gian dừng đỗ tại ga Đông Anh và về ga Yên Viên, Gia Lâm rất ngắn (3-5 phút) nên việc đề xuất kiểm tra cắt toa không thực hiện được.

Còn ở ga Giáp Bát, trong quá trình kiểm tra thường không có chủ hàng mà chỉ có bộ phận bốc dỡ và bên đại diện vận chuyển, việc tìm và liên lạc được với chủ hàng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đẩy mạnh chặn hàng lậu dịp cuối năm

Về sự phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội và các đơn vị liên quan trong  phòng chống buôn lậu, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến đường sắt đã có nhiều chuyển biến.

Từ năm 2013 đến nay, ngành đường sắt đã 19 lần cho dừng tàu, cắt toa xe để kiểm tra hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan chức năng; 10 lần cán bộ đường sắt trực tiếp phát hiện hàng cấm, hàng nhập lậu.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, ngành đường sắt đã phối hợp với đơn vị QLTT và các ban ngành phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng. Ngày 13-4 tại ga Hà Nội, Đội QLTT số 4 đã yêu cầu cắt 2 toa xe hành lý nguyên toa để kiểm tra.

Ngày 14-5 tại ga Hà Nội, CAP Khương Trung, quận Thanh Xuân, phối hợp với nhà ga bắt giữ 1 hành khách nữ đi tàu SE7, trong túi xách mang theo 7 bánh hình chữ nhật nghi ma túy. Ngày 7-6, tại khu vực phía bắc ga Giáp Bát, tổ công tác của Đội CSKT CAQ Hàng Mai đã tạm giữ 27 bao tải bên trong chứa ruốc không có hóa đơn chứng từ…

Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có nhiều biện pháp tích cực. Tuy vậy, thực tế cho thấy, công tác phối hợp giữa các cơ quan có lúc còn thiếu chặt chẽ, vẫn xảy ra trường hợp đơn vị kiểm tra hàng hóa chưa thực hiện đúng quy định, không phối hợp với nhà ga…

Do đó, trong 6 tháng cuối năm - thời điểm hoạt động buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, ngành đường sắt cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan kịp thời nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn các hoạt động lợi dụng giao thông đường sắt để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, đặc biệt trên các tuyến Hà Nội-Lạng Sơn, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-TP.HCM, đồng thời tăng cường kiểm tra trên một số tuyến, ga trọng điểm.