Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT AVG:

Sẵn sàng chia sẻ, không lấy tiền

ANTĐ - Chiều 20-2, vị Chủ tịch HĐQG Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) đã đích thân chủ trì cuộc họp báo “AVG - Truyền hình An Viên và tinh thần thể thao Việt Nam” (TTVN), qua đó nhấn mạnh những công việc mà đơn vị này đang làm, vấn đề thương quyền và bản quyền truyền hình của TTVN trong 20 năm tới.

Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT AVG

Một ngày trước khi Tổng cục TDTT và lãnh đạo VFF làm việc cụ thể với VPF, AVG lần đầu tiên chính thức đăng đàn để công khai nhiều chi tiết cụ thể, làm rõ hơn những gì mà đơn vị này ký kết hợp đồng mua thương quyền truyền hình TTVN, bản hợp đồng tốn nhiều giấy mực của báo giới thời gian qua, đặc biệt kể từ khi AVG xuất hiện. Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT AVG mở đầu: “Rất nhiều người luôn nói về những việc mà họ làm, nhưng chúng tôi luôn thích làm nhiều hơn là nói. Chúng tôi không bao giờ có ý định PR cho những việc mình làm, nhưng lúc này, AVG đã bị đưa vào cuộc chơi. Chúng tôi sẽ theo đến cùng với tinh thần tôn trọng pháp luật cao nhất”.

 Ông Vũ đã phân tích rõ ràng về thương quyền và bản quyền, qua đó nhấn mạnh vào việc AVG sẵn sàng chia sẻ mà không lấy tiền của các đài truyền hình, nếu như họ tiếp sóng để phát tới khán giả hâm mộ cả nước. Cách đây không lâu, VTC đã tuyên bố không tường thuật trực tiếp V-League nữa, và theo ông Vũ, đó là một việc làm “rất không nên”. Ông Vũ cho biết: “AVG sẵn sàng hợp tác với bất kỳ đối tác nào nếu họ có kế hoạch, mục tiêu và hành động thực sự vì bóng đá Việt Nam, vì thể thao Việt Nam”. Về những luồng thông tin từ dư luận cho rằng AVG đang đi ngược lại lợi ích của người hâm mộ, ông Phạm Nhật Vũ nói: “Không người xem truyền hình nào bị ảnh hưởng bởi  hợp đồng giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và AVG, mà ngược lại mọi người đang có nhiều lựa chọn hơn, được xem truyền hình chất lượng tốt hơn với độ phủ sóng rộng hơn. AVG đề nghị tất cả các đài truyền hình hãy tích cực hơn nữa, tăng cường hơn nữa thời lượng phát các chương trình thể thao vì người xem truyền hình”.

Về bản quyền truyền hình và quyền của các phóng viên báo chí khi tác nghiệp tại mỗi sự kiện thể thao, ông Vũ nhấn mạnh: “Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình có quyền tác nghiệp theo đúng Luật Báo chí tại các sự kiện thể thao thuộc các liên đoàn thể thao mà AVG hợp tác”. Về vấn đề lợi nhuận kinh doanh bản quyền truyền hình, ông Vũ nói một cách chi tiết về việc phân chia, theo đó, AVG sẽ chia toàn bộ 100% lợi nhuận cho việc phát triển thể thao Việt Nam. Cụ thể, các Liên đoàn thể thao nhận 30%, “Quỹ hỗ trợ vận động viên thể thao Việt Nam” có 30%, 20% dành cho các hoạt động thể thao thành tích cao và 20% còn lại cho thể thao quần chúng. Ông Vũ cũng khẳng định, sẵn sàng bắt tay với bất cứ cá nhân, tổ chức nào cùng chung mục tiêu mà AVG đang hướng tới trên tinh thần phi lợi nhuận.

Hệ thống truyền hình kỹ thuật số đa kênh của AVG mang tên Truyền hình An Viên được cung cấp dịch vụ kể từ ngày 1-1-2012. Đây là hệ thống truyền hình trả tiền phát trên hạ tầng kỹ thuật số mặt đất (DTT) và kỹ thuật số vệ tinh (DTH), phát sóng 3 gói kênh tương ứng với ba mức cước thuê bao là 33.000, 66.000 và 88.000 nghìn đồng. Từ 1-3-2012, AVG sẽ triển khai dịch vụ của Truyền hình An Viên thông qua hệ thống bưu cục trên phạm vi toàn quốc.