Sám hối

ANTĐ - Giờ gã lành như cục đất ấy. Không ai nghĩ gã từng là tay trộm cắp nhanh như chớp. Thoắt cái đã lại sắp hết một năm, là thêm một năm gã “rửa tay gác kiếm” sống lương thiện với đúng bản chất của mình. Bà con xã Liên Bạt (Ứng Hòa - Hà Nội) đang sản xuất vụ đông. Vợ chồng Phạm Danh Thuấn cũng vậy, vẫn được coi là trai trẻ, lại từng lầm lỗi mới làm lại cuộc đời, cả hai phải cố gắng gấp đôi.

Gã buôn thành tên cướp

“Thấy bản thân sống trong dằn vặt, vô nghĩa quá mức nên tôi quyết tâm cai nghiện, không quay lại con đường trộm cắp nữa. Điều đó cũng an ủi phần nào cho hương hồn cha mẹ tôi nơi chín suối”, đó là lời tâm sự của Phạm Danh Thuấn, một gã từng hoành hành với biết bao thành tích bất hảo suốt hơn 20 năm trời.

Thuấn sinh năm 1964 ở làng Lương Xá - xã Liên Bạt, và điều đặc biệt là gã có nhiều anh em nhưng chẳng ai được học hành tử tế. Gã biết đi buôn từ sau khi bỏ học năm lớp 8. “Tôi buôn nhiều lắm, từ đồ dùng gia đình đến thóc gạo, phụ tùng xe đạp, bánh kẹo. Môi trường chợ búa đã kết nối cho tôi gặp nhiều người, trong đó có nhiều đối tượng trộm cắp, nghiện hút và dần dần nhiễm luôn”, Thuấn tâm sự.

“Gần mực thì đen”, vào năm 1986  Thuấn bắt đầu bập vào “cơm đen”. Thời đó, cả vùng Ứng Hòa, Mỹ Đức không đào đâu ra thuốc phiện. Gã thuộc diện có máu mặt trong vùng nên mới “săn” được. Có khi gã lên tận bãi ở đất Yên Bái gặp dân đào vàng, mua với giá thấp, sau giao cho chủ để ăn chênh lệch. Kiếm được chút tiền, gã đầu tư tất cả cho ăn chơi.

Gã kể: “Thời đó cái trò tìm đến “cơm đen” để có cảm giác phiêu phiêu là thú cao sang nhất. Ngày nào tôi cũng phải dùng, cho bớt mệt mỏi trên đường đi buôn bán, làm ăn. Hết tiền thì phải tìm mọi cách có tiền, hết hàng phải tìm cho ra. Và tôi đã đi cướp”.

Quốc lộ 21B từ đó có một “hung thần” mang tên Thuấn “chíp”. Gã nhỏ con, nhanh như con sóc, đã đi “săn” là không chịu về tay không. Gã cũng thường tổ chức đánh lộn, tranh chấp địa bàn với các nhóm khác. Ngay cả những lần đi tìm hàng cấm tận Yên Bái, Sơn La gã cũng tranh thủ móc túi của khách đi ô tô lấy tiền làm lộ phí và ăn chơi. Có tiền, gã chuyển sang dùng hàng trắng. Mức độ sử dụng hàng cấm tỉ lệ thuận với số lần đi cướp cũng như số tiền cướp được. Bạn bè chích hút của Thuấn cũng từ đó tăng lên, gã biến ngôi nhà nhỏ bé của mình thành “đại bản doanh” chứa chấp toàn người nghiện.

Và thức tỉnh

Vợ và các con là tình yêu của Thuấn

Thuấn có 6 anh em trai thì tới 5 người dùng ma túy, mà thủ phạm là do gã “đầu độc”. Anh trai gã tên Phạm Danh Bột là người chuyên trộm cắp, móc túi đã bị chết trong trại cải tạo ở Nghệ An. Một anh trai khác là Phạm Danh Hổ có tiền án về tội trộm cắp, cưỡng đoạt trên xe khách. Bản thân Thuấn, tháng 3-1995 bị bắt vì tội tổ chức chích hút. Gã kể rằng, khi đó mẹ và anh trai cả của Thuấn thấy không thể chịu được sự ngông cuồng và nghiện ngập của hắn nên đã chủ động gọi Công an huyện đến bắt. Được thả sau 9 tháng bị giam, tháng 4-1996 Thuấn cùng một đối tượng móc túi trên xe khách, bị công an Hà Tây (cũ) bắt và xử phạt hành chính. Được tha, Thuấn như con ngựa bất kham, quen đường cũ, phá phách…

Cuối năm 1999, khi anh trai Phạm Danh Bột chết vì ma túy, trong lòng Thuấn đã hình thành một nỗi sợ. Sau đó, mẹ Thuấn ốm đau bệnh tật, phải đến bệnh viện như cơm bữa, cậu em áp út duy nhất lành hiền cũng chết. Tất cả những nỗi đau liên tiếp đã tác động mạnh vào tâm trạng của một con người giang hồ khét tiếng. Cuối năm 2000, Thuấn gửi đơn đến UBND xã Liên Bạt, tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng với tâm trạng hết sức quyết tâm. Gã nói: “Lúc đó, tôi thấy mình vì thuốc phiện mà sức khỏe giảm sút quá nhiều. Tôi quyết tâm cai nhưng lúc đó, tôi cũng không biết mình sẽ sống thế nào nếu thiếu thuốc”.

Quyết tâm của Thuấn được nhiều người ủng hộ. Ban Công an xã Liên Bạt đã trợ cấp 300 nghìn đồng giúp gã cai nghiện. Trước đây, nhiều người từng cai nhưng đã thất bại nên không ít người nghi ngờ quyết tâm của gã, rằng sẽ chỉ được “ba bảy hai mốt ngày”, gã sẽ tái nghiện. Nhưng không, Thuấn đã làm được điều đó bằng sự quyết tâm, với sự giúp đỡ của chính quyền và gia đình. Cho đến nay, đã 12 năm gã không hề tái nghiện. 

“Tình yêu làm tôi hiền hơn”

Sau này, gã thấy mình may mắn vì có một người vợ luôn ở bên, giúp đỡ động viên. Chị Lê Thị Ly là người ở xã Viên Nội cách xã Liên Bạt không xa, được mai mối làm vợ Thuấn. Năm 2004 một đám cưới nhỏ được tổ chức và đã có hai con, một trai một gái. Khi quyết định đến với Thuấn, chị Ly đã tin vào sự quyết tâm của gã. Bản thân chị cũng là con của một gia đình khó khăn, đã nhìn thấy những điểm tốt của Thuấn nên quyết định về sống chung một nhà, cùng vun đắp hạnh phúc.

Thuấn đã không làm vợ thất vọng. Dù có nhiều bệnh tật trong người, sức khỏe đã “tiêu” gần hết ở thời trai trẻ, Thuấn không làm được nhiều việc nặng nhọc nên chị Ly phải gánh cả. Thuấn coi chị Ly như ngọn nến tình yêu, ngọn nến đã soi sáng đời gã, để không bao giờ tái phạm đường cũ. Gã cũng hứa sẽ làm vợ vui, để gia đình lúc nào cũng có tiếng cười. Vừa rồi, vợ chồng Thuấn - Ly lại xin thêm ruộng để cấy lúa, trồng rau và sẽ nuôi thêm lợn. Chị Ly cố sắp xếp thời gian đi làm thêm kiếm tiền nuôi con.

Giờ gã chỉ ước ao kiếm đủ tiền nuôi con, đỡ đần vợ, trang trải chuyện học hành cho con. Gã không muốn hai đứa con bị thiệt thòi, phải chịu cảnh bỏ học giữa chừng. Gã muốn chúng có tương lai, một tương lai chắc chắn sẽ sáng hơn của thế hệ trước. Những người thương, thông cảm giúp đỡ Thuấn cũng mong như thế. Và trước mắt, cuộc sống của gã, gia đình gã sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Thuấn đang cùng vợ dành tiền để sớm sửa chữa lại nhà. Mùa đông đang đến, mong sao ước mơ của vợ chồng gã sớm thành hiện thực, mong cho cuộc đời gã sẽ ngày càng ấm áp, hạnh phúc hơn.