Sai phạm ở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam: Thời gian gấp gáp nên chưa kịp xem xét trách nhiệm!

ANTD.VN - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT liên quan đến hàng loạt sai phạm theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây.

Theo đó, VNR đã rà soát, điều chỉnh, hạch toán đúng quy định đối với 11 nội dung, tổng số tiền 1.109 tỷ đồng theo Kết luận Thanh tra Chính phủ đã nêu.

Ngoài ra, VNR cũng kiện toàn hệ thống quản trị doanh nghiệp, phân định rõ giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư.

Hàng loạt sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhưng lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt cho biết, chưa có thời gian để kiểm điểm trách nhiệm

Sau 3 năm (2013-2016) thực hiện công tác tái cơ cấu toàn diện, Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành công tác tái cơ cấu, phân định rõ giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư.

Đầu năm 2016, VNR đã hoàn thành công tác cổ phần hóa 24 Công ty TNHH MTV do Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ và thực hiện hạch toán độc lập, tách bạch giữa quản lý, sử dụng và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư với kinh doanh vận tải đường sắt, cũng như Tổng công ty đã thực hiện đầy đủ quy định.

Đồng thời, Tổng công ty cũng rà soát bố sung quy chế, xây dựng đủ các định mức, đơn giá về nguyên vật liệu, tiền lương, các chi phí quản lý doanh nghiệp; rà soát toàn bộ các dự án đầu tư để điều chỉnh và kiến nghị điều chỉnh các chi phí bất hợp lý, ... thanh quyết toán các dự án đầu tư đã quá hạn; rà soát việc quản lý sử dụng đất đai để thanh lý hợp đồng và xử lý những trường hợp sử dụng sai mục đích, lấn chiếm; phối hợp với các địa phương có hệ thống đường sắt đi qua thực hiện cắm mốc giới, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... 

Theo VNR, thời gian Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty báo cáo chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ngày Thanh tra Chính phủ có kết luận, trong khi hiện trạng đất đai VNR quản lý kéo dài trên 34 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, đất khu ga còn có tài sản gắn liền trên đất. "Tình hình quản lý và sử dụng tất cả các cơ sở nhà đất do trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số khó khăn nên Tổng công ty chưa thu thập, tổng hợp được số liệu theo yêu cầu của Bộ GTVT", đại diện VNR cho hay.

Liên quan đến việc thực hiện xử lý những đơn vị, các nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong Kết luận thanh tra Chính phủ, lãnh đạo VNR cho rằng, do có nhiều sự việc được Thanh tra Chính phủ xem xét, thanh tra trong khoảng thời gian dài như: mua ray dự phòng - năm 2001, đầu tư vào liên doanh Minzx - năm 1996...) nên với thời gian được yêu cầu chỉ gần 1 tháng, Tổng Công ty chưa tổng hợp được danh sách tổ chức, các nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm có liên quan và chưa tiến hành xem xét khuyết điểm, vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Đây không phải lần đầu tiên VNR chưa thực hiện đúng mệnh lệnh của Bộ chủ quản là Bộ GTVT. Trước đó, liên quan đến chủ trương mua hơn 100 toa tàu cũ của Trung Quốc, Bộ GTVT cũng “năm lần bảy lượt” yêu cầu lãnh đạo VNR kiểm điểm, nhưng qua nhiều lần họp kiểm điểm và báo cáo lên Bộ GTVT, lãnh đạo đường sắt vẫn khẳng định “không có lỗi gì để kiểm điểm”. Sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có văn bản phê bình nghiêm khắc tập thể lãnh đạo VNR.

Đầu tháng 9-2016, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong Kết luận thanh tra số 2222/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Trước ngày 5/10/2016, các đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện với Bộ GTVT.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về hàng loạt sai phạm tại VNR, trong đó, nổi lên là tình trạng quản lý, kinh doanh yếu kém gây thất thoát  tài sản Nhà nước, đặc biệt có dấu hiệu xem thường lợi ích Nhà nước, vượt mặt cơ quan chủ quản là Bộ GTVT "biến hóa" hai khu đất vàng trại Trung tâm Hà Nội...