Sai phạm ở Hội đồng coi thi: Đề nghị kỷ luật nghiêm khắc

ANTĐ - Chiều 13-6, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống đã trao đổi với báo chí về đánh giá mức độ nghiêm trọng và hướng xử lý vụ tiêu cực thi cử được phản ánh trong clip quay tại Hội đồng coi thi (HĐCT) trường THPT Quang Trung, Hà Đông. 

Sai phạm ở Hội đồng coi thi: Đề nghị kỷ luật nghiêm khắc ảnh 1
Hình ảnh vi phạm quy chế trong phòng thi
tại Hội đồng coi thi trường THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh cắt từ clip)

- PV: Theo kiến nghị của Thanh tra Sở GD-ĐT, các giám thị, thanh tra và lãnh đạo HĐCT trường THPT Quang Trung, Hà Đông đều chịu mức kỷ luật tương ứng với trách nhiệm của mình. Vậy còn với thí sinh, Sở GD-ĐT có đề xuất gì?

- Ông Nguyễn Hiệp Thống: Đánh giá của đoàn thanh tra vụ việc này xác định đây trước tiên là lỗi của giám thị đã không làm hết trách nhiệm của mình. Chính vì vậy, các hình thức xử lý kỷ luật được đưa ra ở mức cao nhất theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT đối với cán bộ liên quan đến vụ việc. Còn về phía thí sinh, theo quan điểm của Sở, các em không thể vi phạm quy chế nếu giám thị thực hiện đúng trách nhiệm của mình nên sẽ không xử lý thí sinh.

- Trong clip có thể thấy rõ các thí sinh trao đổi bài, thậm chí đưa bài cho bạn chép… Nếu chỉ kỷ luật giám thị thì điều này có tạo ra tiền lệ “giơ cao đánh khẽ” với những sai phạm của thí sinh khi phần lớn các em đã đủ tuổi chịu trách nhiệm về hành vi của mình?

- Sở GD-ĐT không đưa ra hình thức xử lý kỷ luật đối với thí sinh trong phòng thi này. Chúng tôi cũng không đặt ra vấn đề thi lại với HĐCT này vì sự việc chỉ xảy ra trong phạm vi một phòng thi và trong những phút cuối của 2 môn Toán và Ngoại ngữ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sẽ không xử lý với vi phạm của thí sinh. Trong quá trình chấm thi, Hội đồng chấm thi sẽ quan tâm đặc biệt tới các bài thi thuộc HĐCT này. Nếu giám khảo chấm thi phát hiện bài thi có hiện tượng bất thường như sai giống nhau đồng loạt thì sẽ báo cáo để xử lý bài thi này theo đúng quy chế.

- Clip tiêu cực thi cử đã được Bộ GD-ĐT chuyển cho Sở từ ngày 4-6 nhưng đến nay mới được Sở GD-ĐT Hà Nội công khai. Ông có ý kiến gì khi nhiều người cho rằng cơ quan chức năng phản ứng chậm trễ đối với việc phản ánh tiêu cực?

- Đúng là Sở GD-ĐT đã tiếp nhận thông tin ngay sau khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, việc xác minh phải có quá trình. Chúng tôi phải phối hợp với công an để xác minh tính xác thực của clip, phải qua nhiều cuộc họp đối chất với các cán bộ liên quan để lấy tường trình, kiểm điểm và đưa ra kết luận thanh tra làm cơ sở kiến nghị xử lý kỷ luật. Đây là quy trình bắt buộc.

- Vụ việc tiêu cực xảy ra ngay sau ngày đoàn thanh tra của Bộ và Sở về kiểm tra tại HĐCT này. Điều này có phản ánh tình trạng thực tế là thanh tra xong, giám thị sẽ “dễ dãi” với thí sinh?

- Đây là sự việc rất đáng tiếc. Ngay sau khi các đoàn thanh tra của Bộ và Sở về kiểm tra, một số giám thị ở HĐCT này đã chủ quan, lơ là trách nhiệm để xảy ra tình trạng mất trật tự, lộn xộn phòng thi, gây hình ảnh phản cảm. Tuy nhiên, tôi khẳng định là việc thanh tra là hoàn toàn đột xuất, không báo trước và không có sự sắp đặt, dàn xếp. 20 đoàn thanh tra phụ trách các khu vực cộng với 5 đoàn thanh tra lưu động đều thực hiện đầy đủ nghiệp vụ công tác thanh tra.

- Nhưng theo phản ánh của nhiều giám thị tham gia coi thi, họ phải chịu áp lực từ tập quán địa phương, từ tâm lý người dân muốn con em mình được đỗ tốt nghiệp bằng mọi cách. Nếu không giải quyết được gốc vấn đề thì vẫn còn nảy sinh những sự việc tương tự?

- Đã nhận trách nhiệm tham gia coi thi, giám thị đã được nhà nước giao trách nhiệm thì phải làm tròn trách nhiệm được giao. Nếu là người lớn mà làm không hết trách nhiệm thì hậu quả với con em mình sẽ còn ảnh hưởng lâu dài.

- Liệu Sở GD-ĐT đã nghĩ đến cơ chế đặc biệt kiểm soát các phòng thi trong những kỳ thi quan trọng tương tự như thế này?

- Theo tôi, công việc nào có được sự tham gia giám sát của xã hội cũng đều sẽ tốt hơn. Việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi cũng là để khuyến khích sự giám sát của xã hội, để góp phần giảm thiểu tiêu cực nên đáng được ủng hộ. Còn đối với việc lắp camera trong từng phòng thi thì với điều kiện hiện nay ngành giáo dục khó có thể triển khai. Hiện toàn Hà Nội có 3.214 phòng thi, kinh phí để trang bị camera từng phòng thi sẽ rất lớn. Biện pháp nâng cao trách nhiệm cán bộ làm công tác thi và ý thức tham gia kỳ thi theo đúng quy chế của thí sinh và nếu có điều kiện thì hỗ trợ giám sát, phản ánh thông tin tiêu cực trong quá trình diễn ra thi cử vẫn là những cách thức để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc.