“Sai phạm bền vững”

ANTĐ - Trong buổi làm việc về công tác thu chi đầu năm học của Hà Nội, cụm từ “sai phạm bền vững” được đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhắc lại theo lời Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dùng để đề cập tới những vấn đề bức xúc trong ngành giáo dục mà lâu nay vẫn bị dư luận phản ứng nhưng chưa khắc phục được.

Mặc dù ngay trước năm học mới, Hà Nội đưa ra hàng loạt các văn bản hướng dẫn, nhắc nhở về khoản thu chi theo đúng quy định tuy nhiên, ngay đầu năm học này, đề tài được nhiều phụ huynh học sinh phản ánh nhất vẫn là tình trạng loạn thu với nhiều khoản thu ngoài quy định hoặc thu theo tên gọi tự nguyện nhưng lại ấn định và “cào bằng” với tất cả phụ huynh...

Trong khi đó, chỉ trong vòng hơn một tháng Hà Nội đã tổ chức 2 đợt thanh tra, đợt một trong 5 ngày với sự tham gia của thanh tra Bộ GD-ĐT, đợt hai là thanh tra của Sở kéo dài tới hết tháng 10. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra ban đầu của hơn 50 trường trên địa bàn thành phố thì bên cạnh các khoản thu quy định, thu hộ, danh sách liệt kê những khoản thu thỏa thuận, thu tự nguyện chưa đúng quy định đã lên tới mười mấy mục.

Thời hạn kiểm tra không thể kéo dài mãi, dự kiến trong vòng 20 ngày nữa số trường kiểm tra được cũng chỉ thêm một vài chục trường trên tổng số hơn 2.000 trường toàn thành phố. Vấn đề được lãnh đạo Bộ GD-ĐT đặt ra với Hà Nội là liệu khi kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra tình trạng thu thêm, thu ngoài quy định sẽ lại lặp lại vào các dịp khác trong năm học?

Để góp phần hạn chế “sai phạm bền vững” này, yêu cầu đặt ra là hiện tượng thu sai quy định được phát hiện trong quá trình kiểm tra cần được công khai rộng rãi và có những hình thức đối với các trường hợp cụ thể.

Khó khăn của nhà trường, phụ huynh hiểu và mong muốn chia sẻ để con em mình được tạo điều kiện học tập tốt hơn nhưng sự thiếu minh bạch và đặc biệt là việc sử dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thay nhà trường yêu cầu những khoản đóng góp thiếu giải trình mục đích, dự toán sẽ là lực cản lớn đối với công tác xã hội hóa trong giáo dục.