Sai lầm thường gặp khiến trẻ bị còi xương

ANTD.VN - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ được bổ sung canxi đầy đủ vẫn còi xương, nhưng phổ biến nhất là cha mẹ cho trẻ uống sai cách, điển hình là việc hạn chế thực phẩm giàu chất béo trong khẩu phần ăn của trẻ, khiến canxi không thể hòa tan.

Sai lầm thường gặp khiến trẻ bị còi xương ảnh 1Thực phẩm là nguồn bổ sung canxi thiết yếu cho trẻ

25% trẻ em Việt Nam bị thấp, còi

Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2014, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam trong 3 thập kỷ qua đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thực tế là cứ 4 trẻ thì lại có 1 trẻ bị thấp, còi. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này trong đó, điển hình nhất là do thiếu canxi. Các thống kê cho thấy, tỷ lệ thiếu canxi của trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ở nông thôn là 53,7%, còn ở thành phố lên tới 62,1%.

Nhiều người ắt hẳn sẽ đặt câu hỏi: Tại sao trẻ em thành phố được chăm sóc  tốt hơn mà tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng này lại cao hơn? Nguyên nhân là bởi: Trẻ em ở nông thôn được chơi ở ngoài nhiều hơn, được tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn. Trong khi đó, trẻ em thành phố thường được bố mẹ “bảo vệ” quá kỹ, thường xuyên phải ở trong nhà để tránh gió, bụi. Và không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hàng ngày chính là một nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng này.

Khi nhắc đến tầm quan trọng của canxi với trẻ nhỏ, chúng ta thường chỉ nhắc tới khả năng giúp trẻ cao lớn, khỏe mạnh mà ít người biết rằng loại vitamin này còn có rất nhiều tác dụng khác. Chẳng hạn, canxi giúp kích hoạt chức năng miễn dịch của cơ thể và điều tiết hệ thần kinh. Chính vì thế mà khi thiếu canxi, trẻ thường ốm vặt, hay quấy khóc, đặc biệt là vào ban đêm.

Thiếu gây hại, thừa nguy hiểm

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu canxi đa phần xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Và các dấu hiệu thiếu canxi của trẻ ở lứa tuổi này cũng rất đặc trưng. Cụ thể, những trẻ này thường hay bị đổ mồ hôi trộm, đầu mềm, tóc rụng hình vành khăn, răng mọc chậm, lâu biết bò, đi; khi ngủ trẻ hay bị giật mình, bực tức, khó chịu... Tất nhiên, nếu trẻ có  một trong những biểu hiện này thì cũng chưa hẳn là trẻ bị thiếu canxi, mà đó chỉ là dấu hiệu nghi ngờ. Vì thế, lúc này, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám. 

Canxi là khoáng chất tan trong dầu mỡ, thế nên, khi bổ sung, nếu bạn không cho trẻ dùng thêm các thực phẩm chứa chất béo, cơ thể trẻ sẽ không hấp thụ được đa lượng vi chất này, dẫn tới hiện tượng uống đủ liều nhưng vẫn còi xương.

TS.BS Phan Bích Nga, (Viện Dinh dưỡng quốc gia)

Thiếu canxi thì ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, nhưng thừa canxi cũng nguy hiểm không kém. Thừa canxi có thể dẫn tới tăng canxi huyết ở trẻ với các biểu hiện như: chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau xương..., thế nên canxi chỉ nên bổ sung theo khuyến cáo của bác sĩ. Như đã nói ở trên, canxi có thể được bổ sung bằng cách cho trẻ tắm nắng hàng ngày. Ngoài ra, vì canxi cũng có khá nhiều trong các thực phẩm như: trứng, cá, gan động vật, thủy hải sản, sữa và các sản phẩm từ sữa nên bạn có thể thay đổi thực đơn hàng ngày thật phong phú để bé có thể nhận đủ lượng canxi cần thiết từ thực phẩm.

Một vấn đề nữa được đặt ra, đó là tại sao nhiều người khẳng định rằng dù đã bổ sung canxi đúng cách cho trẻ theo khuyến cáo của bác sĩ, thế nhưng, trẻ vẫn bị còi xương, chậm lớn? Theo TS.BS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng quốc gia, nguyên nhân không nằm ở liều lượng mà bởi cách thức bổ sung cho trẻ. Cụ thể, canxi là khoáng chất tan trong dầu mỡ, vì vậy khi bổ sung, nếu bạn không cho trẻ dùng thêm các thực phẩm chứa chất béo, cơ thể trẻ sẽ không hấp thụ được đa lượng vi chất này, dẫn tới hiện tượng uống đủ liều nhưng vẫn còi xương.