Rủi ro với con người tại nơi làm việc có sử dụng trí tuệ nhân tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đã được triển khai trong nền kinh tế tự do với công việc chủ yếu theo yêu cầu, nhưng hiện chúng đang xâm nhập nhanh chóng vào các lĩnh vực khác. Liệu cuộc chuyển đổi này có ẩn chứa rủi ro gì đối với con người?
Các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo đang nhanh chóng thâm nhập các lĩnh vực của nền kinh tế

Các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo đang nhanh chóng thâm nhập các lĩnh vực của nền kinh tế

Áp lực khi bị “người máy” quản lý

Renan Rodrigues làm lái xe giao đồ ăn tại Công ty Smood ở thị trấn nhỏ Yverdon-Les-Bains của Thụy Sĩ được khoảng 1 năm rưỡi thì khoảng giữa năm 2022, “người máy” tiếp quản. Nhân viên 33 tuổi này từ đó được phân bổ ca làm việc và giao hàng theo chương trình dựa trên thuật toán máy tính. Sau những thử nghiệm ban đầu, “người máy” đã hoàn toàn chịu trách nhiệm lập kế hoạch cho ngày làm việc của mỗi nhân viên nên công ty gần như không cần nhà quản lý nữa. Mục tiêu của “người máy” là sắp xếp việc giao hàng theo cách hiệu quả nhất có thể. Và tới lúc này, Renan Rodrigues bị sa thải.

“Tôi nhanh chóng hiểu rằng đó sẽ là một thảm họa đối với con người”, Rodrigues nói. Anh đã nhìn thấy cảnh “người máy” khiến các nhân viên ra sức chạy đua, vì những người lái xe nhanh nhất, hoạt động tốt nhất giao được nhiều hàng hơn. Do nhận được ít công việc hơn, anh cảm thấy không bằng lòng với mức lương hàng tháng. “Đối với tôi, phần tồi tệ nhất là luôn có đồng hồ bấm giờ chạy mọi lúc cũng như phần mềm theo dõi tốc độ, thời gian và địa điểm gắn với hệ thống GPS. Nó tạo ra cái mà người ta gọi là “căng thẳng xã hội”. Thay vì chào hỏi người bán hàng khi đến nhận đồ ăn, người giao hàng chỉ luôn miệng giục họ nhanh lên, rồi chạy cho kịp. Thật đáng buồn ở cấp độ con người”.

Ứng dụng AI trong môi trường làm việc

Thực chất, “người máy” mà Rodrigues và các đồng nghiệp của anh vẫn gọi là hệ thống quản lý theo thuật toán do máy tính cung cấp. Nó liên quan chặt chẽ với trí tuệ nhân tạo. Việc sử dụng hệ thống quản lý theo thuật toán này phổ biến với nền kinh tế tự do, điển hình là các công ty như Uber và Deliveroo, có nhân viên thường làm việc tự do hoặc theo hợp đồng theo yêu cầu.

Nhưng hiện giờ, các công cụ AI đang nhanh chóng thâm nhập các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Đối với các công việc văn phòng, chúng có thể được triển khai trong tuyển dụng hoặc để theo dõi hiệu suất. Một cuộc khảo sát năm 2022 đối với 1.000 công ty do công ty tư vấn dịch vụ chuyên nghiệp PwC thực hiện cho thấy, khoảng 1/6 đến 1/4 công ty đã sử dụng AI trong tuyển dụng hoặc giữ chân nhân viên trong 12 tháng qua. Trong số các công ty tiên tiến nhất trong việc sử dụng AI, khoảng 40% đã sử dụng nó để cải thiện trải nghiệm và tiếp thu kỹ năng của nhân viên hoặc để tăng năng suất.

OpenMind, một sáng kiến phi lợi nhuận của ngân hàng Tây Ban Nha BBVA, công bố vào năm ngoái cho biết, các chuyên gia nhân sự có thể sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định về tuyển dụng như thuê ai; đánh giá nhân viên và cân nhắc thăng chức; xác định thời điểm mọi người có khả năng rời bỏ công việc cũng như chọn các nhà lãnh đạo tương lai. Đơn cử như HireVue, một công ty Mỹ chuyên về tuyển nhân sự có hơn 800 khách hàng, bao gồm các công ty đa quốc gia lớn như Amazon, G4S và Unilever. Sử dụng các cuộc phỏng vấn việc làm qua video, công ty có thể tuyển dụng số lượng lớn trong thời gian ngắn, tạo cho ứng viên sự linh hoạt cao hơn và thực sự làm cho việc tuyển dụng trở nên công bằng hơn.

Cần những quy định cụ thể

Tại Liên minh châu Âu, các nhà lập pháp đang lập dự thảo luật quy định về sử dụng trí tuệ nhân tạo tại nơi làm việc. Ủy ban châu Âu đã nhấn mạnh rằng, nói chung, AI có thể mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, nhưng nó cũng gây rủi ro đối với các quyền cơ bản. Theo đạo luật AI được đề xuất, việc làm, quản lý người lao động và khả năng tự kinh doanh sẽ có rủi ro cao. Đối với các nhà sản xuất và người mua các công cụ AI, luật nên quy định các nghĩa vụ cụ thể trước khi sản phẩm được tung ra thị trường, chủ yếu là đánh giá sự phù hợp. Luật cũng đề xuất tăng tính minh bạch trong việc sử dụng thuật toán của các nền tảng lao động kỹ thuật số, đảm bảo giám sát con người bằng sự tôn trọng và trao quyền phản đối của người lao động trước các quyết định mang tính tự động.

Theo bà Aida Ponce Del Castillo thuộc Viện nghiên cứu Liên minh Thương mại châu Âu, các dự thảo luật đó sẽ cung cấp cho người lao động các công cụ để thách thức việc sử dụng AI có khả năng gây ra vấn đề rắc rối. Có 2 điều mà bà Del Castillo tin rằng nên bị cấm là công nghệ đọc cảm xúc (một trong những dạng AI gây tranh cãi nhất) và việc đình chỉ tài khoản của những người lao động hợp đồng như lái xe Uber. “Tôi không muốn nói rằng AI là xấu. Tôi đã dành 20 năm cuộc đời để nghiên cứu công nghệ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là quản lý rủi ro đối với con người”, chuyên gia này cho biết.

Cảm nhận của cựu lái xe giao hàng Rodrigues về “người máy” đủ rõ ràng, anh tin rằng cần phải có nhiều quy định cụ thể với các công ty có sử dụng AI. Rodrigue thừa nhận bị Smood sa thải nhưng số phận đã may mắn mỉm cười khi anh đã được đào tạo để chuẩn bị cho công việc mơ ước của mình: trở thành một điều khiển tàu hỏa.