Rủi ro từ các ứng dụng miễn phí

ANTĐ - Nhắn tin, gọi điện miễn phí trên internet ngày càng trở nên phổ biến. Do không để ý đến các điều khoản, chấp nhận cài đặt nên nhiều người đã vô tình chia sẻ thông tin cá nhân. Đây chính là kẽ hở để kẻ xấu tấn công, đánh cắp dữ liệu.
Rủi ro từ các ứng dụng miễn phí ảnh 1
Để sử dụng ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí của WhatsApp và Viber
người dùng phải khai số điện thoại và thông tin cá nhân. Đây chính là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng


Lợi nhỏ hại lớn

Anh Vũ Văn Công- nhân viên giao dịch một ngân hàng cho biết, với những người đang sở hữu một chiếc điện thoại thông minh mà phải trả tiền khi sử dụng dịch vụ nhắn tin, gọi điện thoại trong nước, quốc tế thì quá “lỗi thời”. Lý giải cho sự “hợp thời” trong ứng dụng công nghệ thông tin của mình, anh Công hào hứng: “Hiện các ứng dụng như Viber, WhatsApp, WeChat,…đều được tải miễn phí trên các dòng điện thoại thông minh. Tôi đang sử dụng điện thoại Samsung Note II, hệ điều hành Android nên có rất nhiều phần mềm miễn phí. Đa phần bạn bè tôi đều sử dụng điện thoại đắt tiền như Iphone 5, Samsung Galaxy S4, Samsung Note II,…nên dễ dàng tải các phần mềm này về để có thể nói chuyện, nhắn tin miễn phí 24/24 thoải mái mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào…”. Cũng theo anh Công, khi lựa chọn những ứng dụng này, anh và nhiều người bạn của mình không mấy khi quan tâm đến tính năng bảo mật của nhà cung cấp dịch vụ. Điều anh Công quan tâm là tính năng đó có “hot” không, có miễn phí không, thậm chí bất cứ phần mềm mới nào được cập nhật trên kho ứng dụng là anh tải ngay về máy điện thoại mà không để ý đến những thông tin cam kết, ràng buộc đi kèm từ nhà cung cấp dịch vụ.

Số liệu của hãng nghiên cứu thị trường di động Flurry (Mỹ) cho thấy, hiện Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng số lượng điện thoại thông minh, máy tính bảng chạy hệ điều hành Android và iOS. Bên cạnh đó, cước phí sử dụng 3G của Việt Nam thấp hơn các nước khoảng 40% đã tạo điều kiện cho các ứng dụng Over  top content - OTT bùng nổ. OTT là những dịch vụ hoạt động trên các kết nối internet nhưng không có bất kỳ mối quan hệ nào với các nhà cung cấp internet và không có giới hạn đối với khách hàng. Tuy nhiên, các ứng dụng OTT như Whatsapps, Viber… tiềm ẩn không ít rủi ro về an toàn thông tin. Đơn cử với ứng dụng Viber, các điều khoản về bảo vệ quyền riêng tư của ứng dụng này cho thấy, khi đăng nhập, toàn bộ thông tin trong danh bạ điện thoại của người dùng sẽ được tải lên máy chủ của Viber. Thậm chí, với WeChat còn có điều khoản cung cấp những thông tin của người dùng cho bên thứ 3 khi có yêu cầu. Trên thực tế, gần đây, nhiều khách hàng đang sử dụng các ứng dụng miễn phí như Viber, WhatsApp cho biết, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng những phần mềm này để gửi tin nhắn quảng cáo rác các dịch vụ bán SIM, camera giám sát, thậm chí cả dịch vụ làm Visa,… 

Gần đây, một số trang mạng hacker trên thế giới lan truyền nhau cách thức lấy trộm dữ liệu từ phần mềm nhắn tin miễn phí qua Internet WhatsApp chỉ bằng các công cụ và đoạn mã miễn phí. Theo đó, đến tháng 8-2012, mọi dữ liệu gửi đi của WhatsApp đều không được mã hóa nên hacker có thể lấy một cách dễ dàng toàn bộ nội dung tin nhắn, dữ liệu cá nhân trong máy điện thoại và cả số điện thoại người dùng nếu họ sử dụng wifi nơi công cộng. Mặc dù, ngay sau đó một phiên bản mới được cập nhật để mã hóa dữ liệu song cũng nhanh chóng bị các tin tặc bẻ khóa. Thậm chí, chỉ cần vào Google và tìm kiếm với từ khóa “hack Whatsapp” bất kì ai cũng dễ dàng tìm được những video hay bài viết hướng dẫn việc “bẻ khóa” phần mềm nhắn tin WhatsApp rất chi tiết. 

Dễ bị kẻ xấu lợi dụng

Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Bộ Công An thì các ứng dụng phần mềm mà người dùng cài đặt trên điện thoại nếu không rõ nguồn cung cấp, có thể là nguy cơ làm mất thông tin cá nhân. Có những trường hợp các đối tượng giả làm khách hàng, thay đổi nội dung trong các hợp đồng cũng như nội dung trao đổi thư điện tử của các doanh nghiệp với nhau nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.  

Gần đây, “Look Around” - một phần mềm nhắn tin miễn phí qua Internet của Trung Quốc cho phép người sử dụng dễ dàng nhận biết được những ai cùng sử dụng phần mềm này đang ở gần vị trí của mình cũng gây ra nhiều tranh cãi về quyền riêng tư tại các nước khi thường bị tội phạm lợi dụng để tìm kiếm vị trí nạn nhân. Theo thông tin từ Tân Hoa Xã, mới đây tòa án địa phương ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã kết án một người đàn ông họ Cao, 32 tuổi, 8 năm 6 tháng tù vì tội danh hãm hiếp phụ nữ. Được biết, người đàn ông này đã sử dụng phần mềm “Look Around” để làm quen với những cô gái trẻ và nhờ tính năng có trên phần mềm này xác định vị trí của họ, từ đó gây dựng lòng tin và thực hiện hành vi tội ác của mình.

Do các ứng dụng miễn phí phần lớn được cung cấp từ nước ngoài nên không có sự kiểm soát, chịu trách nhiệm tại Việt Nam, do vậy người sử dụng nên lựa chọn những phần mềm hay hãng sản xuất có uy tín, quan tâm đến bảo mật và chỉ cài đặt ứng dụng khi cảm thấy thực sự an toàn cũng như phải đọc kĩ quyền truy cập của ứng dụng đến dữ liệu cá nhân của mình. 

Ông Nguyễn Tiến Đạt- Giám đốc quản lý mạng- Công ty VietTravel nhận xét, do các phần mềm này truy cập internet thông qua địa chỉ IP nên sẽ gặp những rủi ro, nguy cơ như trên máy tính thông thường. Do đó, khi người dùng trao đổi dữ liệu đến một thuê bao khác qua mạng wifi công cộng, nếu các ứng dụng tin nhắn, gọi điện không đảm bảo việc mã hóa thì việc bị “lộ” tin nhắn hay nghe lén rất dễ xảy ra. Việc cài đặt các phần mềm bảo mật trên di động để kiểm tra, giám sát việc gửi, nhận dữ liệu hạn chế hơn rất nhiều so với máy tính. Bên cạnh đó, khi đã cài những ứng dụng miễn phí vào điện thoai đồng nghĩa với việc các hãng phần mềm có thể lấy một số dữ liệu của người dùng, hay tự cập nhật dữ liệu xuống máy điện thoại hiển thị tên, số điện thoại của người dùng.