Rửa xe "chặt chém": Niềm vui hay nỗi buồn ngày cận Tết?

ANTD.VN - Như một "thông lệ" hằng năm, cứ tới những ngày gần Tết Nguyên đán, người ta lại chia sẻ với nhau nỗi phiền muộn, bức xúc vì giá dịch vụ bị tăng cao vô lối, bất thường, trong khi chất lượng dịch vụ đi xuống. Từ rửa xe, trông xe, cho tới ăn uống..., sự vô lý tỉ lệ nghịch "giá cao - chất lượng thấp" cứ thế song hành với nhau năm này qua năm khác. Điều ấy khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi: Chẳng lẽ qua bao nhiêu năm, tư duy "chộp giật" ấy không thể nào thay đổi?

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã cận kề, cũng là lúc trên các diễn đàn mạng xã hội, liên tiếp xuất hiện những nội dung cảnh báo, về các điểm dịch vụ "chặt chém" khách.

Như có điểm rửa xe ô tô tăng giá gấp 3 lần, nhưng nội thất vẫn nguyên bụi, ngoại thất vẫn nhem nhuốc, hay có điểm rửa xử lý sạch sẽ như ngày thường, song giá thu gấp... 5 lần.

Ngoài chợ cóc bình dân, với lý do "Tết đến gần", các hàng bán thịt, bán rau cũng tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi lệ thường, khiến không ít người tiêu dùng ngẩn người "Vậy hóa ra thực phẩm trong siêu thị còn rẻ hơn... chợ cóc!"

Rửa xe ngày Tết là dịp để một số người làm dịch vụ thu đắt gấp 2, 3 lần bình thường, trong khi chất lượng lại đi xuống (hình ảnh minh họa)

Tôi có hai người bạn với hai góc nhìn đối nghịch hoàn toàn về câu chuyện kể trên, dù cả hai đều là những doanh nhân thành đạt.

Người thứ nhất cho rằng đó là điều... bình thường! Anh nói, không chỉ ở Việt Nam, nhiều nơi văn minh khác trên thế giới cũng vậy. Bởi khi nhu cầu tăng lên, nguồn cung không đáp ứng kịp, thì chủ nguồn cung có quyền tăng giá, để lọc khách hàng.

"Nếu không hài lòng với giá cả và chất lượng trong dịp này, hoặc ở một khu vực nào đó, thì tốt nhất là chủ động tránh! Như hãy rửa xe trước đó vài ngày, hoặc thậm chí tự rửa xe! Khi biết về khả năng bị 'chặt chém' mà vẫn dùng thì khó có thể trách ai được", người bạn này bày tỏ.

Ngược lại, người thứ hai thì nhìn thấy cơ hội bứt phá để tạo khác biệt, chứ không phải kiếm lãi từ vài ngày cao điểm.

"Kêu gọi tẩy chay chưa chắc đã hiệu quả, vì không ít điểm kinh doanh dịch vụ chỉ hoạt động vào dịp cận Tết này. Bình thường họ không làm nghề rửa xe, nhưng lại mang bơm cao áp, vòi xịt ra làm dịch vụ trong vài ngày cuối năm để kiếm thêm tiền trong dịp cao điểm. Số tiền có được từ tư duy 'cơ hội', 'chộp giật' đó chẳng đáng là bao, nêu so với những gì có thể kiếm được từ việc khai thác sự khác biệt", người bạn này chia sẻ.

Không tăng giá, thậm chí... tặng quà, và luôn đảm bảo rửa sạch xe là cách để những gara "nhìn xa trông rộng" thu hút khách mới, giữ chân khách trung thành (hình ảnh minh họa)

Cụ thể hơn, anh cho biết, để tạo ưu thế cạnh tranh trong những ngày bình thường là rất khó khăn. Nhưng trong dịp cận Tết, nếu chủ kinh doanh nào có tầm nhìn xa, thì chỉ cần giữ nguyên giá, thậm chí hạ giá dịch vụ, tặng quà cho khách hàng, trong khi tăng mức thù lao cho nhân viên, thì sau Tết, lượng khách ấn tượng và trung thành với dịch vụ sẽ tăng vọt.

"Chỉ cần đầu tư rất ít trong vài ngày Tết, một chủ gara hay bãi rửa xe có thể 'kiếm bộn' cả năm, khi thu hút lượng khách hàng đông đảo theo cách đó. Về cơ bản, tôi luôn ủng hộ dịch vụ thu hút và giữ chân khách bằng uy tín và chất lượng, chứ không phải bằng tư duy 'chộp giật' thời điểm", anh bày tỏ thêm.

Tôi ủng hộ suy nghĩ của người bạn thứ hai. Bởi dẫu biết khi "cầu" tăng vượt trội "cung", người ta dễ dàng tăng giá mà khách hàng khó phản kháng, nhưng suy cho cùng, uy tín được xây dựng lâu dài để kiếm sống cả năm, chứ uy tín đâu phải là thứ dễ bán rẻ để thu lợi vài ngày dịp Tết?

Tôi từng ăn một bán bún riêu vào ngày mồng 3 Tết, theo công thức "bún tủ lạnh + nước sôi đổ vào", nhạt nhẽo và khó nuốt, nhưng có giá đắt gấp 3 lần bình thường. Người bán vốn không bán bún hằng ngày, mà chỉ tranh thủ "chặt chém" vào dịp Tết. Nhưng sau đó, khi cô ấy bán bất kỳ món hàng gì ngoài chợ, tôi đều tránh, không mua. Bởi ấn tượng không hay từ tư duy chộp giật trước đó khiến tôi (và chắc chắn cả những người từng ăn bát bún "nước sôi chan bún lạnh" của cô) không tin tưởng vào uy tín và chất lượng của "thương hiệu" đó nữa!

Đã có những hàng rong, quán vỉa hè biết cách giữ chân khách bằng uy tín trong dịp Tết Nguyên đán (hình ảnh minh họa)

Mỗi dịch vụ "cắt cổ" trong khoảng thời gian nghỉ Tết có thể mang đến niềm vui cho vài người, mang lại nỗi bức xúc cho một cơ số người khác. Thứ niềm vui chấp nhận đánh đổi uy tín bằng vài đồng lợi nhuận trong ngắn hạn, tôi tin rằng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn mà thôi. Bởi, nếu nghĩ sâu xa, mới thấy việc đánh đổi đó thực ra là... quá đắt!