Rợn người ở ngôi làng nuôi rắn hổ chúa

ANTĐ - Anh C. nhấc tấm bê tông, thản nhiên thò tay xuống đáy chuồng, nhấc lên một khối tròn đen xì to như lốp xe máy. Con rắn khổng lồ ngóc đầu lên phì phò. Tôi cảm thấy hơi lạnh chạy dọc sống lưng, rùng cả mình.


Làng rắn Phụng Thượng thuộc huyện Phúc Thọ (Hà Nội), giáp Sơn Tây. Nghề nuôi rắn ở làng mới có khoảng 20 năm nay. Tuổi nghề của làng chưa thấm tháp gì so với vài chục năm ở Lệ Mật (Gia Lâm) hay Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, ngôi làng này lại đặc biệt hơn, vì chỉ nuôi độc một loại là rắn hổ chúa, loài rắn khổng lồ trong sách đỏ.

Pháp luật cấm buôn bán, sở hữu loài rắn này, nên người Phụng Thượng phải nuôi một cách bí mật, buôn bán bí mật. Nếu giới thiệu là phóng viên thì chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc câu trả lời "không biết".

Trong vai một tay buôn rắn, tìm nguồn hàng cho các nhà hàng đặc sản ở Hà Nội, tôi có cuộc thâm nhập khá thú vị vào làng rắn. Những người nông dân chân chất cứ thao thao kể về thành tích nuôi rắn của làng. Cũng đúng thôi, vì nó đem lại sự giàu có cho những người nông dân chân chất của ngôi làng này.

Chuồng nuôi rắn được lợp mái che mưa, nắng.

Chuồng nuôi rắn được lợp mái che mưa, nắng. 

Chị hàng nước ở đầu đường khoát tay: "Chú mua bao nhiêu chả có, nhưng muốn mua hàng tấn thì phải gặp bọn buôn rắn nhờ họ thu thập cho. Gom rắn chúa của cả xã này thì có mà chả được cả chục tấn. Nhưng mua ít thôi, chứ nhiều thế nhỡ bị bắt thì có mà sạt nghiệp, tù mọt gông".

Vòng vèo khắp mấy ngôi làng Đông, Tây, tôi thấy nổi lên cái tên Nguyễn Văn Kh. Anh Kh. được dân làng coi là đại gia, nuôi nhiều rắn chúa nhất.

Mỗi rắn chúa được nhốt riêng một chuồng để chúng không ăn thịt nhau.
Mỗi rắn chúa được nhốt riêng một chuồng để chúng không ăn thịt nhau.

Mỗi rắn chúa được nhốt riêng một chuồng để chúng không ăn thịt nhau.

Gặp người lạ, anh tỏ ra không mặn mà lắm, cứ cắm cúi làm việc. Trò chuyện một hồi, tin tôi có nhà hàng đặc sản rắn và đi tìm nguồn rắn thật sự, anh mới cởi mở hơn. Tôi yêu cầu được xem chất lượng rắn trước khi tính đến chuyện mua bán. Anh dẫn tôi vòng ra phía sau nhà.

Sau nhà anh là khu vườn khá rộng với hàng trăm chiếc bể có diện tích mỗi bể khoảng 1m2 và đào sâu xuống lòng đất chừng 1,5m. Mỗi chuồng được đậy bởi một tấm bê tông, có lỗ thông hơi nhỏ.

Pháp luật nghiêm cấm nuôi, nhốt, buôn bán, giết mổ rắn chúa nên người Phụng Thượng nuôi lén lút.

Pháp luật nghiêm cấm nuôi, nhốt, buôn bán, giết mổ rắn chúa nên người Phụng Thượng nuôi lén lút.

Khu nuôi rắn của anh gồm 3 dãy, lợp mái hẳn hoi. Theo lời anh, tất cả rắn trong chuồng đều là hổ chúa. Hiện tại trong nhà anh vẫn còn tích trữ hơn tấn rắn. Thời điểm này người dân đang vỗ béo cho rắn. Tháng 7 đến 9 dương lịch thì xuất rắn rầm rộ. Tôi hỏi anh Kh. về giá cả, anh bảo, nếu lấy nhiều thì giá 2 triệu/ kg, còn lấy mỗi đợt vài con thì phải 2,2 triệu đồng.

"Đại xà" hoang dã khổng lồ nặng 21kg, dài 7m của một đại gia ở Lào Cai.

"Đại xà" hoang dã khổng lồ nặng 21kg, dài 7m của một đại gia ở Lào Cai. 

Tôi tỏ ý ngại ngần chuyện vận chuyển, vì sợ vướng vào pháp luật, thì anh Kh. trấn an: "Chú yên tâm đi. Bọn anh làm nghề đã gần hai chục năm, quá nhiều kinh nghiệm rồi. Bọn anh đánh cả xe tải sang Trung Quốc được, chứ loanh quanh ở miền Bắc ngại gì. Chú lấy nhiều bọn anh làm luật, còn lấy một vài con sẽ có quân vận chuyển bằng xe máy đến tận nhà. Chưa quen thân chú đặt cọc một nửa, còn quen nhau rồi, cần bao nhiêu, cứ gọi, anh sẽ chuyển đến tận nơi mới phải trả tiền". Rời nhà anh Kh. với một hợp đồng miệng, tôi đến nhà anh C. ở đầu xã, nằm bên đường cái. Anh C. vừa là chủ của hơn trăm chuồng rắn vừa là tay buôn rắn cừ khôi của xã.

Anh C. khoe: "Chẳng mấy khi tớ ở nhà. Hôm nay ở trong Nam, ngày mai đã ở bên Lào, Campuchia rồi Trung Quốc. Rắn chúa đắt nên dân trong nước xài ít lắm. 95% xuất sang Trung Quốc chú ạ. Người Trung Quốc mê ăn rắn lắm, nhất là rắn chúa. Họ bảo xơi rắn bổ "rắn", anh cũng không biết thực hư thế nào".

Anh C. chuyên thu mua rắn ở xã và ở những vùng khác để xuất sang Trung Quốc. Ra giêng lại bôn ba vào Nam hoặc lên Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) và Tứ Xã (làng chuyên nuôi rắn giống thuộc huyện Tam Nông, Phú Thọ) tìm rắn giống bán lại cho làng.

Ngôi nhà 5 tầng khang trang mọc lên giữa vùng quê này cũng là nhờ con rắn. Tôi ngỏ ý làm hợp đồng hẳn hoi để có một lượng rắn lớn, anh lắc đầu nguây nguẩy: "Không cần hợp đồng hợp điếc gì cả. Chú thích một tấn hay chục tấn cũng có. Cứ hẹn ngày giờ, địa điểm chính xác tớ sẽ mang đến đầy đủ không thiếu một cân. Chú chỉ việc đặt một phần ba. Khi nào nhận rắn thì trả nốt là ô kê". 

Anh C. dẫn tôi đi tham quan trại rắn của anh. Kỹ thuật xây chuồng cũng chẳng khác gì những hộ gia đình khác. Phía góc vườn có mấy chuồng nhỏ chứa rắn nước, chuột, ếch nhái, cóc… Anh giải thích rắn nước là thức ăn của rắn chúa, còn cóc nhái, chuột dành cho hổ mang phì. Anh khoe số rắn này sắp được xuất đi Trung Quốc và sẽ mang lại cho anh hàng tỉ đồng. Nói rồi, anh C. khiêng tấm bê tông, thản nhiên thò tay xuống đáy chuồng, nhấc lên một khối tròn đen xì to như lốp xe máy. Con rắn khổng lồ ngóc đầu lên phì phò.

Tôi cảm thấy hơi lạnh chạy dọc sống lưng, rùng cả mình. Anh bảo, anh đã nuôi con rắn này 7 năm. Nó nặng chừng 17kg, đã có đại gia trả 50 triệu đồng để ngâm rượu nhưng anh không bán, giữ lại làm kỷ niệm. Khi nào rắn già, anh sẽ cho nó vào bình. Khoe con rắn khổng lồ, to nhất làng xong, anh dẫn tôi vào nhà, chỉ tôi la liệt bình rượu ngâm rắn, đủ các loại tam xà, ngũ xà, cửu xà. Nhưng anh C. quý nhất bình “đại xà”, ngâm duy nhất chú rắn chúa nặng 18kg. Theo anh, đây là con rắn to nhất từ trước đến nay của Phụng Thượng.