Rơi nước mắt bốn mẹ con nghèo sống ở chuồng lợn

ANTĐ - Cũng chính từ căn nhà nhỏ ẩm thấp và tối tăm ấy, mắt của các con chị mờ dần. Nỗi đau quặn thắt vì cái nghèo cứ đổ lên đầu người đàn bà không chồng nuôi ba con gái bệnh tật. Giờ chỉ có một phép màu nào đó mới giúp 4 mẹ con người phụ nữ với những đứa con gái bệnh tật vượt qua được khốn khó. Nhưng, đi đâu để tìm phép màu bây giờ.

Mẹ con chị Mai trong căn nhà nghèo khó

Bi thảm gia đình phải sống ở chuồng heo

Đó là trường hợp của gia đình chị Tôn Nữ Phương Mai (50 tuổi) sống ở khu tập thể số 50 đường Nguyễn Chí Diểu, tỉnh Thừa Thiên Huế. Căn nhà thuê hiện tại chỉ rộng khoảng chưa đến 30 m2, lộn xộn, chật chội nhưng là chỗ nương thân quý báu nhất của những mảnh đời bất hạnh này. Ngồi kể chuyện với chúng tôi trong nước mắt, chị Mai ngậm ngùi kể lại, chị cũng đã từng đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô từ năm 1989, 3 năm sau chị đăng kí hộ khẩu hợp pháp rồi lấy chồng và sinh sống với người chồng Việt Nam tại đó. Cuộc sống cứ tưởng êm ấm, lặng lẽ trôi qua khi 3 mặt con ra đời. Nhưng ai ngờ  gia đình chị phải li tán vì vỡ lở câu chuyện 16 năm qua chị đã chung sống với người đã có vợ con. Chị Mai buồn buồn tâm sự: “Ngày ấy, sống cùng người chồng lừa dối khiến cuộc sống của tôi lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ. Tôi mới quyết định trở lại Việt Nam để nuôi con, nhưng không ngờ về đến đây thì cũng chẳng có được cuộc sống an nhàn một phút nào. Dường như bao nhiêu tai ương của cuộc đời đều đổ dồn lên số phận của tôi cả!”.

Năm 2004, chị đem ba người con gái về Việt Nam, người chồng ở lại làm ăn trả nợ. Ba năm sau, cha của 3 đứa trẻ về nước dự đám tang anh trai chị Mai, rồi về quê và từ đó không một lần trở lại. Thiếu vắng bóng chồng, tình cha, người phụ nữ nghèo chỉ sống nhờ ở căn nhà nhỏ của mẹ đẻ, nhưng nhà đông anh em con cháu nên chị đành phải ra ngoài, thuê tạm chỗ ở đường Đặng Dung để sống. Căn nhà bốn mẹ con sống chưa tới 10 m2, vốn là cái chuồng lợn bỏ hoang của một gia đình khác. Thuê được cái chuồng lợn ấy, chị chỉ sửa lại sơ sài đôi chút vì không có tiền. “Nói căn nhà chứ thật ra cái chuồng lợn, cũng không sửa sang chi mấy, làm lại cái nền cho bằng, quét vôi, rồi ví tôn xung quanh, cửa ra vào chỉ đủ một người bước vô, không đủ để dắt một chiếc xe đạp chui lọt. Ngoài diện tích đặt cái giường và cái tủ, mọi sinh hoạt nấu ăn, vệ sinh đều phải ở ngoài cả!”, chị Mai tâm sự. 

Kể với chúng tôi bằng giọng run run, em Mai Thanh Thúy (sinh năm 1996), con gái đầu của chị Mai cho biết, căn nhà ấy tối tăm, ẩm thấp lắm. Cứ hễ mưa đến mấy mẹ con lại phải dùng thau tát nước, có khi nước ngập lên đến mắt cá chân. Sau nhà lại có cái ao nhỏ, mưa lớn lại tràn vào nhà khiến mẹ con như sống giữa đảo. Chị Mai phải đi xin bao ni lông khắp nơi để mấy mẹ con bò lên mái nhà, phủ bao ni lông chống mưa với hy vọng đỡ được chừng nào hay chừng ấy.

Bốn năm sống trong căn nhà thuê với giá 100.000 đồng/tháng chỉ với một chiếc bóng đèn nhỏ không đủ chiếu sáng đã làm mờ dần đôi mắt và phát bệnh ở cả ba đứa con. Đứa con đầu bắt đầu có dấu hiệu bị cận, viêm xoang, hen suyễn mãn tính, đứa thứ hai là Mai Thanh Huyền (sinh năm 1999) cận nặng đến 7 độ. Đôi mắt đứa trẻ út Mai Huyền Trang (sinh năm 2003) mờ dần cho đến bây giờ không còn thấy được nữa. “Nó đi học, chuẩn bị vào lớp 1 thì cô giáo phát hiện gần như nó không nhìn thấy được. Hoảng hốt cô giáo chở về tận nhà. Ban đầu tui cũng chở cháu đi khám mắt, hết chữa Tây y lại sang Đông y nhưng vẫn không lành. Vì mắt cháu hầu như không thấy được nữa nên cháu được đưa vào trường dành cho người mù của tỉnh, tình cờ một người tới thăm và khẳng định không thể tự nhiên mà mắt cháu không nhìn thấy được, đưa cháu đi chụp CT thì phát hiện đó là biến chứng của bệnh U não”.

Những đơn thuốc và giấy khám bệnh của con gái út chị Mai

Tai ương dồn dập

Con cái bệnh tật, chị đành chuyển chỗ ở với mức chi trả quá sức 300.000 đồng/tháng của một cán bộ hưu trí trong khi lương quét dọn của chị chỉ được 600.000 đồng mỗi tháng. Đây cũng là một căn nhà chỉ vỏn vẹn 30m2, chật chối, cũ kĩ như ngôi nhà ổ chuột. Thế nhưng, đó cũng là phần đất di tích nằm trong diện giải tỏa. Mấy tháng trước, khi cơ quan chức năng tiến hành yêu cầu những gia đình đã được bồi thường phải chuyển đi nơi khác, bốn mẹ con chị Mai sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Chị vội bỏ việc chạy đi tìm nhà, nhưng ở đâu người ta cũng đòi tới 500.000 đồng/tháng. “Số tiền đó là quá nhiều so với gia đình cháu, chừ chỉ cứ ở như rứa đã, khi mô họ đuổi thì đi”, Thanh Thúy chia sẻ. Công việc cũ không đủ tiền chữa bệnh cho con, chị Mai tìm đến công việc làm thuốc Đông y, cộng thêm giặt rửa cho gia đình họ với tiền công mỗi ngày 80.000 đồng. “Hơi cực, nhưng chủ họ thương mình. Con đau xin nghỉ họ không đuổi việc. Mỗi tháng nghỉ 3 - 4 ngày. Trưa đi làm về tranh thủ cho nó uống thuốc, ăn uống rồi lại tiếp tục đi làm. Có được công việc đó cũng là may lắm rồi. Bao nhiêu người khác đang thất nghiệp muốn có việc như mình mà không được!”, chị Mai cám cảnh cho biết. Hiện tại, bé Huyền Trang được các bác sĩ chẩn đoán U não giai đoạn cuối, bắt đầu có những biến chứng nặng như suy thượng thận nặng, đôi mắt hầu như không thấy được.

Viên thuốc Hydrocortisone Roussel được coi như tiên dược mỗi ngày mà em bắt buộc phải sử dụng nếu không thì theo như lời bác sĩ “sẽ không biết chuyện gì xảy ra”. Chị Mai đau đớn thổ lộ: “chừ nó sống nhờ thuốc, chứ cơm gạo đâu mà nuôi nó được. Chỉ dứt thuốc một ngày là nó đau đớn gào thét ngay. Nhìn con mình dứt ruột sinh ra lâm vào cảnh này ai mà không đau đớn cho được! Mà nó vẫn cố vui vẻ, vẫn cố tỏ ra bình thường để cho mẹ vui, chứ tôi biết trong người nó đau lắm!” Nhìn gương mặt tròn trịa, nhưng là do thuốc giữ lượng nước trong người gây ra. Từng bước chân mò mẫm của em trong nhà nhà chật chội, thỉnh thoảng lại va vào tường làm lòng chúng tôi cũng thấy đau lòng. Ôm lấy em, chúng tôi hỏi: “Con buồn không?” Bé Huyền Trang nghiêng đầu đưa tai lên nghe, rồi mỉm cười lắc đầu. Em nói rằng đầu em hay đau và mắt không nhìn thấy được. Nhưng có lẽ câu nói cuối cùng của em làm cho chúng tôi không thể cầm được nước mắt: “Đáng lẽ cháu lên lớp 6 rồi, nhưng vì đau phải học muộn nên giờ mới lên lớp 3! Nhưng bây giờ không biết cháu có tiếp tục đi học được nữa không!” nói rồi cô bé buồn buồn lần mò bước ra cửa, nơi có đứa trẻ hàng xóm đang mang đồ chơi sang. “Nếu không có cô Đà, cô Hoa dạy học làm từ thiện, có lẽ những đứa con của tôi cũng không thể đến trường, và bé Trang sẽ không biết ra sao”, người phụ nữ nghèo tâm sự.

Các con gái bị bệnh như thế, ngay cả bản thân chị Mai cũng chẳng lành lặn khỏe khoắn gì. Chị đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo của bác sĩ rằng nếu không chữa sớm sẽ bị liệt, nhưng chị Mai như muốn quên đi cái căn bệnh của mình để gắng sức lo cho con. Những lời kể của người mẹ với đôi mắt mòn mỏi không còn hi vọng cho biết chỉ mong kéo dài thời gian sống cho cháu Huyền Trang thôi chứ không biết tương lai sẽ đi đến đâu. Mặc dù được hưởng chính sách hộ nghèo ở địa phương, và một số tấm lòng hảo tâm thỉnh thoảng giúp đỡ, nhưng bệnh tật của bé Trang đã lấy hết đi gần như toàn bộ số tiền mà chị Mai kiếm được hằng ngày. Và cũng từ nỗi cơ cực ấy, Thanh Thúy cho biết nhiều ngày mấy chị em phải ăn cháo với muối thay cơm và cuộc sống của họ luôn là những tháng ngày ảm đạm, ngổn nganh nỗi buồn. 

Bây giờ, mẹ con chị Mai chỉ ao ước có một phép màu nào đó, để giúp đỡ mẹ con chị vượt qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng này. Chẳng biết phép màu có thật hay không, chỉ biết mỗi ngày chị vẫn dậy từ rất sớm, tất bật lo cho mấy đứa con bữa cơm, bữa cháo, rồi tất tả đi làm đến tối mịt mới về nơi ấy có đứa con gái út bé bỏng, mù lòa, bệnh tật vẫn ngóng ra cửa, để nghe tiếng xe đạp quen thuộc của mẹ mỗi tối mà vợi bớt đi sự đau đớn hành hạ mỗi ngày. Không biết khi căn bệnh của chị phát tác, ai là trụ cột để giữ được gia đình này.