Rối như đường ngang
(ANTĐ) - “Giao cắt đồng mức” là điều tối kỵ trong hoạt động vận tải đường sắt. Song ở Việt Nam, điều tối kỵ ấy lại đang... chiếm chủ đạo. Thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam, trên các tuyến đường sắt hiện tồn tại hơn 5.000 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Đáng lo ngại là đến thời điểm này, chưa có biện pháp nào, chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm chính giải quyết những sự rối rắm trên hành lang đường sắt.
“Tít mù rồi lại vòng quanh”
Một ngày đầu năm mới 2008, tôi tham gia vào buổi kiểm tra, xử lý vi phạm tuyến hành lang đường sắt trên địa bàn phường Trung Phụng, quận Đống Đa. Được biết, đây là công việc khá thường xuyên của công an và lực lượng tự quản.
Trước đó nửa tiếng đồng hồ khi đi xe dọc theo đường Lê Duẩn, không khó để trông thấy cảnh nhân viên của một số cửa hàng đồ gỗ “hồn nhiên” mang vật liệu ra đường ray mài giũa, đục đẽo.
“Công trường đường ray” ấy chỉ gián đoạn khi có người, xe từ trong các con ngõ nhỏ đi ra. Hỏi chuyện một “công nhân” khoảng 20 tuổi, cậu này tự tin: “Giờ tàu qua lại em “nắm” trong đầu, lo gì không chạy kịp”.
Khu Nhà Dầu (Khâm Thiên) lâu nay nổi tiếng vì... ở gần đường tàu |
Cảnh dáo dác xuất hiện khi ôtô của công an đi từ phố Khâm Thiên ra đường Lê Duẩn. Rất nhanh, có thêm người từ trong các cửa hàng đồ gỗ ra hỗ trợ cho nhân viên vận chuyển hàng vào trong nhà.
Qua trụ sở Tổng Công ty Than Việt Nam, một tổ tự quản phường xuống ôtô đi bộ theo trục đường dân sinh trước cửa nhà các hộ dân. Vậy nhưng chỉ một số ít cửa hàng chậm chân không “chạy” kịp bị thu giữ đồ vật. Nửa tiếng sau, tôi quay ngược lại đường Lê Duẩn.
Đã xuất hiện những ván gỗ kê trên đường ray. Song khác với lúc trước, số lao động trên “công trường đường ray” cảnh giác hơn. Thi thoảng họ lại ngó về ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn, sẵn sàng ù té khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng.
“Mong lắm được... giải tỏa”
Đó là tâm tư của ông Bùi Hữu Công - Bí thư Đảng ủy phường Trung Phụng về tuyến hành lang đường sắt chạy qua địa bàn phường. Ông Bùi Hữu Công trước giữ chức Chủ tịch UBND phường. 2 nhiệm kỳ Chủ tịch tương ứng với 10 năm là từng ấy thời gian ông Công chia sẻ nghịch cảnh đường sắt với người dân Trung Phụng.
Đường Lê Duẩn là tuyến phố quy mô nhất của phường. Nhưng trớ trêu là cả chính quyền địa phương lẫn người dân đều khổ vì nó nằm sát hành lang đường sắt. Ông Công tâm sự, cảnh xử lý vi phạm hành lang đường sắt mà tôi vừa chứng kiến đã lặp đi lặp lại ngót nghét 10 năm qua.
Giữ gìn TTĐT, đảm bảo sự an toàn cho người dân thì lực lượng chức năng phường Trung Phụng phải làm. Song thực tâm, lãnh đạo phường hết sức thông cảm với... những người bị xử lý. 50 hộ dân của phường Trung Phụng sống dọc đường ray thì đến 49 hộ kinh doanh.
Ngoài 50 hộ dân mặt đường, hàng trăm hộ dân trong các con ngõ hàng ngày phải qua lại tuyến đường sắt ấy còn khổ hơn. 5 con ngõ thông ra đường Lê Duẩn chỉ có ngõ 274 là có barie chắn tàu. Cái barie ấy có cũng như không, vì nó được thiết kế chỉ chắn được nửa lối đi.
Chiều 22-2, tôi đến khu vực này đúng lúc chuông reo, đèn đỏ bật báo tín hiệu tàu sắp đến. Vậy mà không ít người vẫn cố phóng vọt qua barie.
Thiết bị cảnh báo tự động khá “hình thức” ở ngõ 274 Lê Duẩn |
“Khoảng năm 1997, bên đường sắt về đo cắm mốc giới trong các hộ dân mặt đường, nói là sẽ có dự án lớn, như làm cầu vượt và làm đường hành lang dân sinh dọc tuyến đường sắt.
Theo đó, chỉ giới an toàn được cắm là 5,6m tính từ đường ray vào nhà các hộ mặt đường”, ông Hà Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Trung Phụng cho biết. Thời điểm hiện nay, nhiều hộ dân mặt đường Lê Duẩn vẫn còn để mốc giới này trong nhà, và vẫn ấp ủ hy vọng dự án lớn ấy được triển khai.
Cũng nhiều năm qua, ngoài nỗ lực đảm bảo trật tự đô thị trên tuyến đường sắt, phường Trung Phụng liên tục tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân không xây dựng, cơi nơi quá phạm vi chỉ giới đã định. Theo ông Tuấn, đó là những giải pháp tình thế của cả chính quyền lẫn người dân trong khi chờ một “cú hích thoát khổ”. Có điều, điệp khúc chờ này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ?
“Quả trứng hay con vịt có trước”
“Một dự án cần thiết nhưng... khó khả thi” Khoảng 3 năm nay, Bộ GTVT có đề án quy hoạch đường ngang bảo vệ hành lang an toàn đường sắt trên toàn quốc. Mục tiêu đề án là xóa bỏ các đường ngang trái phép bằng cách lập các đường gom. Đây là động thái cần thiết đối với hơn 5.000 đường ngang dân sinh đang tồn tại. Tuy nhiên, đề án hết sức cần thiết này rất khó khả thi, bởi liên quan đến kinh phí giải phóng mặt bằng. Ngay cả dự án tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội được Trung ương và thành phố ủng hộ như thế, lại có sự đầu tư của nước ngoài, mà vẫn chưa triển khai được. Nên chăng, nếu chưa đồng loạt xóa được đường ngang dân sinh trên toàn quốc, thì ngành đường sắt có thể phối hợp với từng địa phương tiến hành từng bước theo cách nơi nào dễ, làm trước. Có thể nói, bớt được một đường ngang trái phép là bớt được một nguy cơ”. (Một cán bộ Tổng Công ty Đường sắt đề nghị không nêu tên) |
“Cái mà nhiều người lâu nay hay gọi là đường ngang dân sinh, ngành đường sắt chúng tôi gọi khác, là đường mở trái phép qua đường sắt. “Đơn vị thi công” những lối mở này là người dân sống gần đường tàu, và chính họ đang tự đẩy mình vào nguy cơ mất ATGT”, đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Thìn - Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải, đơn vị phụ trách hạ tầng hành lang đường sắt địa bàn Hà Nội.
Theo khảo sát của đơn vị này, “nóng” nhất hiện nay là hành lang tuyến đường sắt Thống Nhất, từ khu vực ngõ Nhà Dầu (phường Khâm Thiên) đến Văn Điển. Tính đến cuối năm 2007, trên chiều dài 12km này có 44 đường ngang “hợp pháp” và 192 “đường ngang dân sinh”.
Vỏn vẹn từng ấy cây số mà có đến 7 “điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT chết người. “Về lý thuyết đường sắt hình thành trước. Nhưng vì quy định quản lý và cả việc thực thi thiếu chặt chẽ nên nhà dân cứ thế lấn ra sát đường sắt. Khi ấy, họ buộc phải chọn giải pháp làm đường đi băng qua đường tàu”, ông Thìn phân tích.
Trái với quan điểm của vị Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Hà Hải, nhiều địa bàn khi chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng, nhà dân hình thành trước khi đường sắt được xây dựng. Và khi làm đường, phía ngành đường sắt đã không tôn trọng tính “lịch sử” ấy, bịt hết lối đi của người dân.
Ngay cả dự án làm đường gom, rồi dự án trả lại mốc giới an toàn đường sắt, người dân được nghe đã lâu song đến giờ vẫn chưa thấy ai rục rịch. Điều đáng nói là thay vì đưa ra và thực thi biện pháp giải quyết tình trạng “đường ngang dân sinh”, phía đường sắt và nhiều địa phương đang dừng ở việc tung hứng “quả bóng trách nhiệm”.
Đúng là quản lý, bảo vệ hành lang đường sắt thuộc về ngành đường sắt, Bộ GTVT. Song công tác quản lý đó để thực sự hiệu quả không thể thiếu vai trò của chính quyền địa phương. Luật Đường sắt quy định: “UBND các cấp nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục nhân dân bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt và ATGT vận tải đường sắt trên địa bàn”.
Luật là vậy, mức xử phạt đối với các hành vi tự ý mở đường ngang cũng khá cao, từ 10-20 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa thấy cá nhân, tổ chức nào bị xử lý, mà chỉ thấy số đường ngang trái phép ngày càng gia tăng. Câu hỏi “Lỗi tại ai” mà chúng tôi nêu ở trên, xem ra không khó trả lời.
(Còn nữa)
Hoàng Quân