Rõ thẩm quyền sẽ tăng hiệu lực công tác đảm bảo chấp hành pháp luật giao thông

ANTĐ - Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an ngày 30-9 đã ký Văn bản số 2162/BCA-C67 gửi Bộ GTVT, góp ý  dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

Liên quan đến mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, Bộ Công an cho rằng, Dự thảo  Nghị định có nhiều hành vi vi phạm hành chính quy định mức phạt tiền tăng cao quá so với Nghị địnhh số 171/2013/NĐ-CP; không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, đồng thời, không phù hợp với mức sống trung bình của người dân.

Mặt khác, việc tăng mức tiền phạt quá cao sẽ dẫn đến việc khi phát hiện hành vi vi phạm, lực lượng CSGT phải chuyển vụ việc lên Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục CSGT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh để ra quyết định xử phạt, gây khó khăn cho công tác xử phạt vi phạm hành chính. 

Việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các lực lượng chức năng sẽ nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT

Thực tiễn trong thời gian qua có những trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền  ra quyết định xử phạt, tạm giữ phương tiện vi phạm nhưng mức tiền phạt cao hơn giá trị của phương tiện nên người vi phạm đã bỏ phương tiện, không thi hành quyết định xử phạt.

Do đó, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT rà soát lại Dự thảo Nghị định để điều chỉnh mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm theo hướng chỉ tăng mức phạt tiền đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT.

Về phân định thẩm quyền xử phạt quy định tại điều 69 Dự thảo Nghị định, Bộ Công an cũng đề nghị Bộ GTVT phân định rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng, trong đó CSGT có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt và một số hành vi vi phạm về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; các lực lượng Cảnh sát khác (Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) có thẩm quyền xử phạt một số hành vi vi phạm, khi được huy động tham gia tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính cùng lực lượng Cảnh sát giao thông trong trường hợp cần thiết.

Thanh tra giao thông có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ, các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, các điểm dừng, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ, các hành vi vi phạm trong việc đào tạo sát hạch, kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới…

Bộ Công an đề nghị sửa lại khoản 6 theo hướng không quy định  thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ đối với các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông khi đang điều khiển phương tiện lưu thông trên đường bộ quy định

Đề nghị bỏ khoản 7 (thẩm quyền xử phạt của Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa,  người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa). Vì Luật giao thông đường bộ không giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho Cảng vụ hàng hải, cảng vụ hàng không, cảng vụ đường thủy nội địa, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa.