Review giả trên mạng khiến nhiều người “xuống tiền” mua đồ rởm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhiều người mua hàng trực tuyến thường có thói quen xem nhận xét, đánh giá (review) về sản phẩm, dịch vụ trước khi đặt hàng. Do đó, “review giả” xuất hiện và thúc đẩy “quyết định” mua sắm của rất nhiều người.

Gần đây, tài khoản Facebook có tên Julice’s… thường xuyên livestream bán các loại sản phẩm làm đẹp cho chị em phụ nữ như: kem lột, kem trị nám, kem làm se khít lỗ chân lông… Ngay tại các phiên livestream này, rất nhiều người xem hoặc khách hàng đưa ra bình luận, nhận xét trực tiếp như: “Sản phẩm của em là tốt nhất, chị dùng thấy hiệu quả rõ rệt”; “Hàng của em giá tốt nhất, luôn ủng hộ em”; “Hàng xịn xò, rất nên mua”…

Một số khác lại dường như đóng vai “chim mồi” đặt hàng trực tiếp như: “Cho em 2 lọ kem trị nám” hoặc “Cho em combo làm đẹp da”…

Trên các dòng thông tin bán hàng của mạng xã hội, những “review giả” đặt hàng cũng được nhiều người nhắc đến. Điển hình là việc có những người sẽ đăng review đặt hàng vào dòng trạng thái mới của một người nhất định. Hành động nhỏ này vừa thúc đẩy niềm tin của những người đang có ý định tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ theo hướng tích cực để người đó mua hàng, vừa tăng tương tác để thông tin được đẩy lên hàng đầu, ở vị trí dễ nhận biết.

Không chỉ trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng có hình thức review khi đề nghị khách hàng đánh giá bằng sao cho sản phẩm hay shop bán hàng. Và những “cơn mưa” lời khen không thiếu trong mỗi sản phẩm.

Chị Hiền Lương (Thanh Xuân- Hà Nội) cho hay: “Tôi thường xuyên mua hàng trực tuyến. Trước khi mua tôi đều xem nhận xét của những người trước để quyết định. Có sản phẩm được đánh giá tốt tôi mua về khá ưng ý, nhưng có nhưng sản phẩm dù được đánh giá 5 sao, chất lượng vẫn rất tệ”.

Là một người bán hàng online, chị Mai Hương (Ba Đình- Hà Nội) cho hay: “Thực tế có tình trạng người bán hàng nhờ người thân, bạn bè đánh giá (comment) mồi để dụ dỗ khách mua hàng”. Nói cách khác, “review giả” xuất hiện.

Ở chiều ngược lại thì những review tiêu cực cũng khiến người tiêu dùng thậm chí dừng mua hàng.

Theo dữ liệu khảo sát của Podium- một công ty phát triển phần mềm giúp các doanh nghiệp hiện đại hóa các phương thức tương tác với khách hàng, 93% người được khảo sát cho rằng các nhận xét trên mạng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ, và 82% người nói nội dung của khảo sát đã thuyết phục họ mua hàng. Còn theo “Sách trắng Thương mại điện tử năm 2020”, tại Việt Nam, 56% người tiêu dùng coi các bình luận, đánh giá trên mạng là lý do lựa chọn để mua hàng qua mạng.

Nêu quan điểm về việc này, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ CÔng Thương) cho biết: “Nhận xét trên mạng thực sự đóng vai trò quan trọng. Tại một số sàn TMĐT, nhận xét của người tiêu dùng được tổng hợp và chuyển thành xếp hạng sao cho từng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Theo đó, nhận xét tích cực càng nhiều thì xếp hạng sao cho sản phẩm/dịch vụ đó sẽ đạt 4-5 sao, ngược lại sẽ chỉ đạt 1-2 sao nếu nhiều nhận xét tiêu cực”.

Những nhận xét giả thường có nội dung gần giống nhau, quá tích cực hoặc quá tiêu cực; hoặc review đưa ra phần thưởng với người mua hàng…

Theo đại diện Cục CT&BVNTD, review giả xuất hiện ngày càng nhiều cùng với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT. Song không riêng gì Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng xuất hiện tình trạng này.

Điển hình như ở nước Anh. Vào năm 2015, Cục Giám sát cạnh tranh và thị trường của Anh (Competition and Market Authority – CMA) đã công bố một báo cáo về nhận xét giả, trong đó ước tính nhận xét giả có khả năng ảnh hưởng đến 23 tỷ Bảng Anh mà người tiêu dùng Anh sử dụng mỗi năm. Báo cáo này cũng thể hiện rằng rất nhiều người tiêu dùng tin vào nhận xét được đăng trên mạng.

Để tránh bị review giả dẫn dụ mua sản phẩm kém chất lượng, đại diện Cục CT&BVNTD khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác trước những nhận xét có dấu hiệu là giả/không khách quan như trên. Người tiêu dùng nên mua hàng từ những sàn thương mại điện tử chỉ cho phép người đã mua sản phẩm/dịch vụ nhận xét về sản phẩm/dịch vụ đó;

Để có quyết định mua hàng chính xác, người tiêu dùng nên đọc thật nhiều nhận xét trên các nền tảng khác nhau như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, blog… và tìm hiểu về các doanh nghiệp/sản phẩm/dịch vụ tương tự trước khi đưa ra quyết định.