Rau chợ đầu mối đội lốt rau VietGAP tuồn vào siêu thị: Rà soát lại việc cấp phép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Trồng trọt kiểm tra, rà soát, đánh giá lại quá trình hoạt động cấp phép đối với 12 đơn vị có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận VietGAP; nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Liên quan đến phản ánh "rau bẩn đội lốt rau VietGAP rồi tuồn vào siêu thị", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước thông tin báo chí phản ánh về việc rau không rõ nguồn gốc ở chợ "biến hình" thành rau VietGAP tuồn vào siêu thị, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã tổ chức họp với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ; một số Sở NN&PTNT; Hiệp hội các nhà bán lẻ… về công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không, cần sửa cái gì? Mục đích là phải làm minh bạch, tử tế, không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu, mà là phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước.

Rau an toàn VietGAP được bán nhiều tại các hệ thống siêu thị lớn trên cả nước

Rau an toàn VietGAP được bán nhiều tại các hệ thống siêu thị lớn trên cả nước

Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Trồng trọt kiểm tra, rà soát, đánh giá lại quá trình hoạt động cấp phép đối với 12 đơn vị có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận VietGAP; nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thuỷ sản tiến hành lấy mẫu giám sát, kiểm soát chất lượng nguồn rau quả đưa vào chợ tại 3 chợ lớn nhất TP.HCM là Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn; nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ xem xét trình Bộ ký kết Chương trình phối hợp để cùng nhau để kiểm tra, kiểm soát, đưa các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào các kênh bán lẻ, tránh xảy ra những tình trạng tương tự trong tương lai.

Về công tác quản lý, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ và các địa phương tổ chức lại sản xuất thành vùng nguyên liệu tập trung, cấp mã số vùng trồng để đảm bảo ATTP và truy xuất được đến tận gốc nông sản thực phẩm không những cho xuất khẩu mà còn ưu tiên cho tiêu dùng trong nước.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản đã thực hiện kiểm tra dư lượng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng với 2.503 mẫu. Kết quả cho thấy có 40 mẫu vi phạm dư lượng, chiếm 1,6%.

Kiểm tra vi sinh với 13 mẫu, kết quả không có mẫu nào vi phạm về chỉ tiêu vi sinh. Trong khi đó, năm 2018, đơn vị kiểm tra 13.376 mẫu thì phát hiện 198 mẫu vi phạm dư lượng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, chiếm tỷ lệ 1,48%.

Đáng chú ý số cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương tăng nhanh. Nếu năm 2018 có 1.845 cơ sở áp dụng VietGAP, VietGAHP, diện tích 20.000ha thì năm 9 tháng năm 2022 là 8.304 cơ sở, với diện tích 480.000ha.