
Các vùng rau an toàn cứ ngày một thu hẹp
Ai cũng cần nhưng rau vẫn ế
Bộ NN&PTNT cho biết, hiện cả nước đã hình thành nhiều khu vực chuyên sản xuất RAT như Hà Nội, Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hải Dương, Đà Lạt (Lâm Đồng)... Theo quy định, RAT phải được trồng theo quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm tối đa sử dụng thuốc BVTV và các hoạt chất kích thích. Bởi vậy, giá thành sản xuất RAT cao hơn rau thường tới 40-50%.
Nhu cầu của người tiêu dùng về RAT hiện nay rất lớn. Theo khảo sát, gần 90% người tiêu dùng đánh giá, RAT là quan trọng nhất trong bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình. Hầu hết người tiêu dùng đều chấp nhận mua RAT với giá cao hơn so với rau trồng theo quy trình thông thường từ 20-50%. Vậy, lý do gì, các vùng RAT cứ ngày một chết dần, chết mòn?
Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương nêu hiện trạng, bi kịch hiện nay ở các vựa RAT trong cả nước là sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, giá bán không như mong đợi, người trồng rau và doanh nghiệp thua lỗ. Lý do chủ yếu là, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là RAT và đâu là rau trồng đại trà.
Khó phân biệt thật giả
Cho tới nay chúng ta vẫn chưa có một chứng nhận đủ mạnh từ các cơ quan kiểm soát để giúp cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất có thể phân biệt về RAT, vùng RAT. Bởi vậy, đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, nhiều cơ sở kinh doanh, trồng trọt đã cố tình lập lờ gian lận, đánh tráo để lừa người tiêu dùng. Chính sự nhập nhèm này đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào RAT.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã vào đầu tư trong lĩnh vực sản xuất RAT, thậm chí, một số địa phương như Hà Nội có khá nhiều chính sách ưu đãi với những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng tới nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn “bế tắc” đầu ra. Vấn đề đặt ra, làm thế nào minh bạch hóa thị trường RAT để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp an tâm sản xuất RAT. TS. Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp đưa giải pháp, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng tập trung theo khu vực (PGS), tạo điều kiện để người nông dân và người tiêu dùng có thể tham gia vào kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng mức xử lý vi phạm để làm trong sạch thị trường thực phẩm.