Rào cản phát triển

ANTĐ - Thế giới đã bước sang thế kỷ 21 từ lâu mà vẫn còn rất nhiều người không thể đọc được những biển báo cơ bản, một nhãn thuốc hay tự thảo một tờ đơn xin việc. 

Một lớp học xóa mù chữ của trẻ em ở Uganda

Đó là cảnh báo mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) vừa đưa ra. Kể từ cuối năm 1965, UNESCO đã quyết định chọn ngày 8-9 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ. Nửa thế kỷ trôi qua, nhân loại đã đạt được những tiến bộ đáng kể, tỷ lệ người biết chữ trên thế giới trong giai đoạn từ 1990 - 2000 đã tăng từ 76% lên 82%. Tuy nhiên, cuộc chiến xóa nạn mù chữ vẫn đầy gian nan. 

Theo thống kê, số người mù chữ trên thế giới hiện nay là khoảng 775 triệu người, trong đó có 152 triệu trẻ em không được đến trường, và một số lượng nhiều hơn thế các em bỏ học. Đi liền với nạn mù chữ là tình trạng bất bình đẳng giới mà bằng chứng là phụ nữ hiện chiếm gần 70% số người không biết chữ. Do khó khăn với việc trả học phí, các hộ gia đình ở các nước đang phát triển thường buộc phải lựa chọn việc nên cho đứa con nào đến trường. Hệ quả là con trai vẫn được ưu tiên hơn bởi con gái có thể làm các công việc gia đình tốt hơn. 

Tất nhiên, mù chữ hoặc thiếu kỹ năng đọc - viết là rào cản đối với quá trình phát triển xã hội. Canada là nước có trình độ phát triển rất cao với tỷ lệ biết chữ chiếm 97% dân số. Tuy nhiên, hiện có khoảng 48% người trên 16 tuổi ở Canada không có đủ các kỹ năng đọc - viết cần thiết để đáp ứng yêu cầu của một công việc chuyên môn, nhất là các lĩnh vực nghiên cứu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp của Canada đang ở mức tương đối cao - trên 7%.

Chính vì thế, xoá mù chữ vẫn là vấn đề mang tính cấp bách được cả thế giới quan tâm. Biết chữ là một quyền của con người, một công cụ quyền lực của cá nhân và là một nhân tố phát triển xã hội và con người. Việc xóa nạn mù chữ sẽ mở ra khả năng tiếp cận với giáo dục cho. Đây cũng là việc làm mấu chốt để hạn chế đói nghèo, giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em, ngăn chặn đà tăng trưởng dân số, thiết lập bình đẳng giới và đảm bảo phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ. 

Hướng tới mục tiêu xóa dần nạn mù chữ trên toàn thế giới, năm 2011, UNESCO đã công bố sáng kiến có tên gọi All Children Reading (tất cả trẻ em biết đọc). Người ta hy vọng một nền giáo dục cơ sở tốt sẽ mang tới cho học sinh các kỹ năng đọc viết, giúp cho họ trong suốt cuộc đời và cho phép họ có thể tiếp nhận các kiến thức khác. Các bậc phụ huynh biết chữ cũng gửi con em họ tới trường nhiều hơn, những người biết chữ cũng mong muốn được tiếp tục đào tạo lên các cấp cao hơn, và vì vậy, xã hội biết chữ có thể tiến bộ hơn, có đủ khả năng loại bỏ các thách thức của sự phát triển. 

Đi vào cụ thể, những người biết đọc thường có sức khỏe tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, biết cách hòa nhập và cống hiến cho cộng đồng hiệu quả hơn. Một con số tính toán cho biết, nếu tất cả học sinh của các nước có thu nhập thấp được tới trường tiểu học và có khả năng đọc viết thì 171 triệu người sẽ thoát khỏi đói nghèo, tương đương với việc giảm thiểu 12% tỷ lệ nghèo đói trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu mà UNESCO đề ra là đến năm 2015 giảm được ít nhất 50% số người mù chữ hiện tại, thế giới còn nhiều việc phải làm.