Rà soát chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT: Yêu cầu an toàn tuyệt đối về đề thi, chấm thi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 8-6, 63 địa phương cả nước đã họp bàn với Bộ GD-ĐT về các khâu chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó nhấn mạnh yêu cầu an toàn tuyệt đối cả về đề thi, chấm thi, phòng chống dịch bệnh.
63 tỉnh, thành phố họp bàn công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

63 tỉnh, thành phố họp bàn công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Lường trước các tình huống bất thường

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực chung của toàn ngành Giáo dục, sự quan tâm của các địa phương, 63 tỉnh/thành đã kết thúc năm học vào 31/5 cho khối lớp 12.

Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đồng loạt trên cả nước vào 7-8/7 tới. Theo Bộ trưởng, năm nay dịch bệnh cũng đã được kiểm soát, cho phép tổ chức một kỳ thi trên cả nước tuy nhiên những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu.

Do vậy, mặc dù Bộ GD-ĐT đã có phương án tổ chức thi cho các đối tượng có liên quan đến dịch bệnh nhưng cũng phải lường trước và dự phòng những tình huống phát sinh, bất thường, đặc biệt là trong quá trình tổ chức thi.

"Chỉ còn 4 tuần nữa, đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành lưu ý đặc biệt, hỗ trợ tối đa cho sở GD-ĐT chuẩn bị thật tốt về khâu chuyên môn cho các học sinh để chuẩn bị bước vào kỳ thi một cách tốt nhất, cả về kiến thức cũng như về phương diện tâm lý; hỗ trợ cho các học sinh ở các vùng sâu, vùng xa trong vấn đề đi lại, lưu trú, hỗ trợ các em để có kỳ thi tốt nhất"- Bộ trưởng đề nghị.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối kỳ thi tốt nghiệp

Một trong số yêu cầu quan trọng nhất là việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các khâu liên quan đến đề thi, chấm thi và tất cả các vấn đề liên quan an toàn, bảo mật, trật tự liên quan đến kỳ thi.

Theo ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT đã rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

"Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021 và 2021 - 2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay"- ông Phong nhấn mạnh.

Theo ông Phong, Bộ GD-ĐT đã rà soát, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi, lựa chọn câu hỏi đã có trong ngân hàng câu hỏi thi theo ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và viết bổ sung câu hỏi mới.

Đến tháng 6, cơ bản bảo đảm cả về số lượng, chất lượng đề thi; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, nhất là khâu lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi.

Bảy vấn đề quan trọng trong tổ chức kỳ thi

Đánh giá đến thời điểm này, các địa phương đã chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, sẵn các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý 7 vấn đề quan trọng trong chuẩn bị, tổ chức thi.

Các vấn đề này liên quan đến: Quán triệt nhận thức về vai trò quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT; xây dựng, ban hành các văn bản, hướng dẫn; lựa chọn, bố trí nhân sự cho Kỳ thi; chuẩn bị cơ sở vật chất; công tác tập huấn; phòng chống dịch Covid-19; công tác thanh tra, kiểm tra và chế độ thông tin báo cáo.

Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng cho biết: Mục đích thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Tính chất quan trọng của Kỳ thi đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng để bảo đảm tổ chức thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng.

Thứ trưởng yêu cầu cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho Kỳ thi; trong đó đặc biệt lưu ý chuẩn bị các điều kiện nơi đặt Hội đồng in sao đề thi; điểm thi bảo đảm an ninh, an toàn.

Cùng với đó là chuẩn bị kỹ các phương án phòng chống dịch tại địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra; đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương, quan điểm là cố gắng tăng kỷ cương, giảm vi phạm. Cuối cùng, cần thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo quy định.