Quyết tăng phí dịch vụ sân bay

ANTĐ - Dù bị một số hãng hàng không nội địa phản ứng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn giữ đề xuất tăng phí dịch vụ sân bay đối với các tuyến bay quốc nội. Lãnh đạo ACV cho rằng, phần lớn các sân bay đều đang phải bù lỗ và tình trạng này không thể kéo dài mãi. Nếu đề xuất của ACV được thông qua, sẽ góp phần đẩy giá vé máy bay lên cao, tước đi cơ hội đi máy bay giá rẻ của người tiêu dùng.

Phía Cảng hàng không cho rằng, phí dịch vụ sân bay hiện quá thấp

Các hãng hàng không làm méo mó thị trường?

Theo ACV, hiện nay, toàn bộ chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng tại cảng hàng không cũng như chi phí khai thác (chi phí đầu vào của ACV) theo giá thị trường nhưng doanh thu (đầu ra) của ACV chủ yếu do Nhà nước quy định về giá (khoảng 70%). ACV cho rằng, chính sách giá hiện nay không hợp lý, giá dịch vụ hàng không quốc nội thấp hơn rất nhiều so với giá dịch vụ hàng không quốc tế.

Giá dịch vụ hàng không áp dụng cho chuyến bay quốc nội chưa tương xứng với chi phí đầu tư, chất lượng dịch vụ, sản lượng khai thác và chênh lệch lớn với giá dịch vụ áp dụng cho chuyến bay quốc tế.

Cụ thể, trong năm 2015, doanh thu cất hạ cánh (lượt chuyến) đối với các chuyến bay quốc nội là 383 tỷ đồng, thấp hơn gần 2,5 lần so với doanh thu quốc tế (940 tỷ đồng); giá hạ cất cánh quốc nội chỉ bằng 34% giá hạ cất cánh quốc tế trong khi chi phí đầu tư và khai thác như nhau. Giá phục vụ hành khách quốc nội tại Việt Nam chỉ bằng 12-15% giá phục vụ hành khách quốc tế.

Trong khi đó, ở các nước trong khu vực, giá phục vụ hành khách quốc nội bằng 40-60% giá phục vụ khách quốc tế. Chưa kể, giá dịch vụ sân đỗ tàu bay giữa hãng hàng không trong nước và quốc tế đang cách biệt quá lớn. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc ACV nhìn nhận: “Chính sách giá hiện hành tác động không tốt đối với tình hình sản xuất kinh doanh của ngành Vận tải hàng không, trong đó có ACV. Là doanh nghiệp kinh doanh về khai thác hạ tầng hàng không nhưng lợi nhuận từ dịch vụ hàng không đem lại không tương xứng với quy mô đầu tư”.

Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không trong nước để tăng cường khai thác, mở rộng tuyến bay và sản lượng hàng không. Thế nhưng, hệ thống hạ tầng cảng hàng không không theo kịp trước sự phát triển chung dẫn đến sự quá tải tại một số cảng hàng không như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh.

Các hãng hàng không trong nước liên tục triển khai nhiều chính sách giảm giá vé tàu bay để tăng thị phần, sản lượng, giúp tăng doanh thu. Nhưng giá dịch vụ hàng không nội địa được tính theo chuyến bay nên phần chi phí do tăng sản lượng khách lại do ACV gánh, làm méo mó thị trường vận tải.

Đối với trục giao thông chính Hà Nội - TP.HCM, vé máy bay giá rẻ chỉ hơn 800.000 đồng/người/chiều, trong khi giá vé tàu hỏa dao động từ 1-1,5 triệu đồng/người/chiều.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc ACV nhìn nhận: “Khi được hưởng ưu đãi từ chính sách giá bù lỗ chi phí đầu vào, các hãng hàng không cạnh tranh giảm giá vé máy bay làm méo mó thị trường vận tải chung, tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành Vận tải khách khác như đường sắt, đường bộ. Với cơ chế giá hiện nay, Tổng Công ty không thể thu hồi vốn đầu tư”.

Giá vé máy bay rẻ vì tính cạnh tranh cao

Tổng Công ty Cảng hàng không cho biết, hiện nay, trong toàn ACV, chỉ hai cảng hoạt động kinh doanh có lãi là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Các Cảng hàng không Đà Nẵng và Cam Ranh chỉ đủ bù đắp chi phí hoạt động, không có lãi.

Do đó, ACV tiếp tục kiến nghị điều chỉnh giá hạ cất cánh quốc nội bằng 50% giá hạ cất cánh quốc tế; điều chỉnh giá phục vụ hành khách quốc nội 2 năm/lần để có thể cải tạo hệ thống hạ tầng nhà ga nội địa đã quá tải. Cụ thể, từ   1-1-2017, sẽ điều chỉnh mức giá phục vụ hành khách quốc nội 100.000 đồng/hành khách...

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhận định của ACV về việc các hãng hàng không có nhiều chính sách giảm giá vé làm méo mó thị trường vận tải là áp đặt và không đúng chức năng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc bán vé giá thấp của các hãng hàng không không phải chỉ do trả phí dịch vụ sân bay thấp mà là tác động của nhiều yếu tố, trong đó lớn nhất là hưởng lợi của giá xăng dầu, quản trị doanh nghiệp và quan trọng là cạnh tranh. Ông Ngô Trí Long cho rằng, việc lấy giá vé đường sắt để so sánh và nhận định về giá vé hàng không là không ổn.

Trong bối cảnh thị trường vận tải cạnh tranh, các hãng hàng không phải tự hạch toán kinh doanh, không lý do gì giá vé hàng không phải cao hơn đường sắt trên cùng một chặng đường. Đó còn chưa kể, đường sắt chậm cải tiến, chậm áp dụng khoa học công nghệ nên không thể cạnh tranh được với các loại hình vận tải khác...